Đại tá, Nhiếp ảnh gia Trần Hồng – nguyên Phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, được xem là người đã "vẽ" chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ảnh khi chụp hơn 2.000 tấm ảnh và từng tổ chức nhiều triển lãm về vị tướng huyền thoại của dân tộc.
Bắt đầu từ năm 1994, khi có cơ duyên được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Hồng cũng gắn bó nhiều hơn với các thành viên trong gia đình ông. Và rồi, từ chỗ chỉ chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Hồng được chụp cho bà Đặng Bích Hà – phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một số thành viên trong gia đình ông. Bởi lẽ đó, ông có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng và các thành viên trong gia đình nói chung.
Trước thông tin phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, Đại tá Trần Hồng đã chia sẻ riêng với Dân Việt những kỷ niệm của ông về người phụ nữ mà ông rất quý mến và ngưỡng mộ này.
Những câu chuyện xúc động về Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"Tôi nhận được thông tin PGS.TS Đặng Bích Hà – Phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời lúc 0 giờ 50 phút ngày 17/9/2024, tức những phút đầu tiên của ngày 15/8 âm lịch từ ông Võ Đại Hàm – cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chăm lo quản lý và đón tiếp khi có khách đến thăm nhà của Đại tướng ở Quảng Bình. Như vậy là sau 11 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, ông đã đón bà về với thế giới của những người hiền.
Tôi biết, nhiều năm qua, bà Bích Hà sức khỏe suy yếu, nằm một chỗ. Các con cháu đã rất tận tình chăm sóc và phụng dưỡng bà. Vì thế, bà ra đi ở tuổi 97 cũng được xem là đã đại thọ và bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn về mọi bề. Phải nói thêm rằng, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bà Bích Hà tiếp tục thay ông giáo dục con cháu rất kỹ càng, nề nếp. Các con cháu của ông bà rất đoàn kết, ấm êm, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Trong mắt tôi, bà Bích Hà là một người rất tốt bụng, chân thành, thật thà và quan tâm đến người khác bằng những cử chỉ rất nhỏ.
Tôi vẫn nhớ, trong nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một cây sấu rất to và cây hoa ngọc lan rất to. Mỗi lần tôi đến chơi với ông bà hoặc đến chụp ảnh cho ông bà, bà thường nhắc Đại tướng đưa túi sấu hoặc túi hoa ngọc lan cho tôi mang về làm quà mỗi khi tôi chào ra về. Bà thường không bao giờ quên việc ấy cả. Chỉ một hành động nhỏ thôi nhưng thể hiện sự ấm áp bên trong con người bà Bích Hà.
Tuy nhiên, bà Bích Hà cũng là một người mang nhiều tính cách rất xứ Nghệ. Bà bộc trực, thẳng thắn và quân tử. Tính cách này lại rất phù hợp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông cũng là người miền Trung nên rất thích sự thẳng thắn, chính trực. Vì thế, lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tôn trọng tính cách thẳng thắn của vợ.
Bà Bích Hà là một người rất yêu quý và hết mực chăm sóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà đúng nghĩa là "hậu phương vững chắc" để ông xông pha mọi trận mạc. Tôi vẫn nhớ, ông là người Quảng Bình nên rất thích ăn cay. Vì thế, trong các bữa ăn, bao giờ bà cũng dặn dò người giúp việc nấu đúng khẩu vị của người Quảng Bình. Mấy người giúp việc cho vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là những người Quảng Bình gốc.
Có một điều rất đặc biệt trong cách xưng hô giữa bà Bích Hà và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đó là bình thường thì họ hay gọi nhau là anh – em. Nhưng hễ có người lạ thì Đại tướng bao giờ cũng gọi vợ mình là "chị Hà", còn bà Bích Hà gọi chồng là Đại tướng. Nghe qua có cảm giác ông bà không được thân mật nhưng kỳ thực họ gọi nhau một cách rất trìu mến và yêu thương. Tôi làm việc nhiều với ông bà nên không cảm thấy xa lạ với cách thể hiện tình cảm như thế.
Có một câu nói của bà Bích Hà khiến tôi nhớ mãi và trân trọng bà vô cùng đó là khi em gái của bà – PGS.TS Đặng Thị Hạnh hỏi: "Hạnh phúc của chị là gì?", bà Bích Hà đáp rằng: "Hạnh phúc của chị là đã có anh Văn". Câu nói dù ngắn gọn thôi nhưng đã gói hết mọi yêu thương và sự trân quý của bà đối với ông.
Tôi vẫn nhớ, lần đầu tiên tôi tổ chức triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp ông tròn 95 tuổi ở Quảng Bình. Khi kết thúc triển lãm, trở về nhà, tôi nhận được một tờ lịch ghi mấy lời nhắn của bà Bích Hà: "Anh Trần Hồng ơi, khi nào anh về cơ quan, anh báo tôi biết để vợ chồng tôi đến xem ảnh". Tôi rất cảm động khi nhận được tờ giấy này.
Những lời nhắn của bà thể hiện một sự khiêm tốn và tôn trọng người khác đến đáng phục. Vì ở cương vị của bà, chỉ cần bà nhắn tôi mang ảnh qua nhà để cho ông bà xem là tôi sẵn sàng phục tùng ngay, nhưng bà không làm thế mà lại muốn đích thân đến cơ quan tôi để xem ảnh vì không muốn làm phiền.
Sau đó, chính Võ Điện Biên và Võ Hoài Nam phóng xe ra cơ quan tôi lấy ảnh để đưa vào cho ông bà xem. Buổi sáng đó cũng là buổi sáng tôi "thu hoạch" được nhiều bức ảnh chụp ông bà nhất. 11h trưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn mặc quân phục ngồi bên cây đàn piano cho tôi chụp. Hôm đó tôi mang hai máy chụp ảnh theo nên chụp lia lịa. Thực ra, những bức ảnh tôi chụp về vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý hiếm là nhờ bắt trọn được những khoảnh khắc độc đáo thôi chứ không quá đẹp.
Một lần, bà Bích Hà có đến nhà riêng của tôi chơi, tôi thấy bà nhìn chăm chú vào bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắc trên một viên đá, tác phẩm này do một người bạn của tôi tên Vỹ ở Đà Nẵng làm tặng. Thấy thế, tôi ngỏ ý tặng bà tác phẩm này nhưng bà từ chối ngay. Bà bảo tác phẩm đó rất quý với tôi nên bà sẽ không nhận. Tôi có nài nỉ kiểu gì bà cũng nhất quyết không nhận.
Trước lúc về với thế giới của những người hiền, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có 1559 ngày nằm trên giường bệnh của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Những ngày này, trong phòng ông bao giờ cũng treo một bức ảnh chân dung của ông bà. Tuy nhiên, có một ngày các bạn Đoàn TNCS của Bệnh viện đến dọn dẹp, trang hoàng lại phòng cho thoáng mát, thuận tiện khi khách đến thăm đã vô tình dời tấm ảnh đó sang chỗ khác.
Ngày hôm đó, Đại tướng đã từ chối tất cả mọi thứ. Không chịu ăn uống, không chịu tiêm thuốc. Cả phòng 34 người hoảng quá không biết vì sao Đại tướng lại thế. Mọi người họp lại trao đổi mà không thể tìm ra nguyên nhân. Chiều hôm đó, một người thân cận của Đại tướng đến chơi, nghe kể lại mọi chuyện đã biết ngay vì sao. Ngay sau đó, tấm ảnh chân dung của Đại tướng với bà Bích Hà được treo lại vị trí cũ thì ông hợp tác trở lại như xưa.
Kể câu chuyện này để thấy, tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Bích Hà rất vĩ đại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông bà cũng luôn hướng về nhau. Ngay cả khi đã sắp gần đất xa trời thì tình yêu ông dành cho bà vẫn rất lớn.
0 nhận xét:
Post a Comment