Người viết 20 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Việt
Thật khó để kể về những thăng trầm mà dòng văn học võ hiệp Việt Nam gặp phải, nhất là trong bối cảnh thế hệ trước đã quá già, còn lớp kế cận thì khá mỏng.
Dòng tiểu thuyết kiếm hiệp (hay võ hiệp) Việt Nam được hình thành theo trào lưu kiếm hiệp dịch tại miền Nam trước 1975; rồi thêm thời kỳ dịch lại dòng tiểu thuyết này vào thập niên 1980-1990. Từ việc dịch rồi tham gia sáng tác, văn đàn kiếm hiệp Việt Nam xuất hiện các tên tuổi như: Hàn Giang Nhạn, Lã Phi Khanh, Từ Khánh Phụng, Hoàng Ly…
Ưu Đàm Hoa đặc biệt hơn bởi ông không liên quan gì đến Hán học nhưng suốt một thời sáng tác và nổi tiếng vào cuối thập niên 1990, độc giả trong nước nhầm ông là một tác giả Trung Quốc. Cho tới tháng 8/2010, nhà sách Nhân Văn (TP.HCM) đăng một đính chính trên báo thì độc giả mới vỡ lẽ: Ưu Đàm Hoa có tên thật là Phạm Công Lánh, sinh năm 1956, đang sống và viết tại quận 11, TP.HCM.
Cuối năm 2023, một công ty sách tại Hà Nội đã liên lạc để tái bản 19 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp cũ cũng như xuất bản tác phẩm thứ 20 của ông là Ta Bà phong vân ký.
Có mặt trong buổi ra mắt tiểu thuyết kiếm hiệp - dã sử Nam Triều Kiến Mộng của tác giả Bửu Nguyễn vào ngày 27/7 tại TP.HCM, rất nhiều độc giả dòng tiểu thuyết này đã ồ lên ngạc nhiên khi biết có sự xuất hiện của kiếm hiệp gia Ưu Đàm Hoa lừng lẫy một thời. "Tôi mong sự xuất hiện của tác phẩm sẽ làm phong phú kho tàng văn học kiếm hiệp, khơi dậy niềm đam mê viết lách cho thế hệ trẻ", nhà văn Ưu Đàm Hoa chia sẻ.
"Kiếm khách" kỳ ngộ
Bửu Nguyễn kể, anh gặp nhà văn Ưu Đàm Hoa vào một sáng cuối năm 2023. Trước đó, anh đã tìm được liên lạc của ông qua mạng xã hội và tìm cách kết nối. Rất nhanh chóng, hai "kiếm khách" đã lên lịch hẹn. "Ông Ưu Đàm Hoa lấy xe máy chở tôi chạy ra đầu hẻm cách nhà 100 mét để uống cà phê… vì ông đi bộ không nổi", Bửu Nguyễn cho hay.
Nhà văn Ưu Đàm Hoa trong những ngày này đang điều trị chứng bệnh liên quan về phổi, phải thường xuyên xông thuốc nên đi bộ nhiều sẽ mệt. Tuy vậy, khi vào câu chuyện về dòng tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam, ông vẫn nồng nhiệt chia sẻ với Bửu Nguyễn, thế hệ tiếp nối của mình.
Trong buổi ra mắt Nam Triều Kiến Mộng, nhà văn Ưu Đàm Hoa cho rằng, nhà văn Bửu Nguyễn đã rất thành công khi phối hợp nhuần nhuyễn giữa kiếm hiệp và dã sử, giữa tính chất kỳ ảo của dòng tiểu thuyết này với những sử liệu khô khan, khiến người đọc có thể thâm nhập, đắm mình vào một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sự có mặt của nhà văn Ưu Đàm Hoa tại buổi ra mắt như một hành động trao truyền "bí kíp" cho thế hệ kế cận, mà đại diện là Bửu Nguyễn, để tiếp tục sáng tạo nên những tác phẩm hút khách của dòng tiểu thuyết kỳ ảo này.
Theo Bửu Nguyễn, kiếm hiệp là thể loại đòi hỏi nhiều hư cấu. Một tác phẩm kiếm hiệp phải hội đủ bốn yếu tố: võ - hiệp - kỳ - tình. Trong đó, yếu tố hiệp nghĩa được đặt lên hàng đầu vì nếu thiếu "hiệp" thì tác phẩm trở thành tiểu thuyết võ thuật, đánh đấm nhiều nhưng không mang lại giá trị nhân văn. Ngoài ra, yếu tố kỳ ảo cũng là thứ khiến độc giả mê đắm.
"Con người thường rơi vào xung đột giữa thể xác vật lý và tinh thần bay bổng. Văn học hiện thực không giải quyết được cuộc xung đột này nhưng văn học kiếm hiệp làm được điều đó. Khi đọc những tác phẩm kiếm hiệp, độc giả đắm mình trong những chiêu thức ảo diệu (dùng khinh công để chạy như bay trên mái nhà, dùng võ thuật để hành hiệp trượng nghĩa…). Chính điều đó đã làm nên sức hút của thể loại này và cũng góp phần giải tỏa những căng thẳng trong đời sống hàng ngày của độc giả", Bửu Nguyễn nói thêm.
Từ Mỹ, nhà văn Cấn Vân Khánh đã chia sẻ: "Tiểu thuyết Nam Triều Kiến Mộng đã đưa tôi vào một thế giới võ hiệp kỳ ảo, diễm lệ của Việt Nam đầu thế kỷ 19. Ở đó, mưu mô xảo trá cũng có, thực tại chua xót cũng có, nhưng vượt lên trên là sự dấn thân của những anh hùng thầm lặng, muốn đưa đôi vai gánh lấy sơn hà. Cuối cùng, tình thương là thứ duy nhất còn sót lại, cũng là thứ đã cứu rỗi cõi trần gian đầy rẫy khổ đau".
Còn nhà văn Nguyễn Đình Bổn tâm đắc: "Điều đáng quý của Bửu Nguyễn cũng giống như ý đồ của tiền bối Tân Dân Tử 100 năm trước, khi anh bộc bạch ở dòng giới thiệu khiêm tốn nhưng cũng đầy tham vọng là "muốn định hình một phong cách kiếm hiệp Việt Nam, đi sâu khai thác về đề tài văn hóa và dã sử nước nhà". Anh còn trẻ, sức viết còn tràn đầy, mong rằng hoài bão này sớm trở thành hiện thực".
0 nhận xét:
Post a Comment