Chu Nhật Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội của anh là NSND Chu Mạnh Chấn, một hoạ sĩ có niềm đam mê với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá làng quê Bắc Bộ thông qua nghệ thuật sơn mài.
Chu Nhật Quang từng là du học sinh ở Mỹ, Úc, nhưng giờ thì chàng trai 29 tuổi đang ở quê nhà, trong một xưởng vẽ ở Hà Đông (Hà Nội) để làm tranh sơn mài, bắt đầu hành trình mà ông nội và bố anh đã đi qua.
Cha của anh là NSƯT Chu Lượng, nguyên giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, người cả đời say mê với nghệ thuật rối nước. Sự tiếp nối dòng chảy nghệ thuật của gia đình anh khiến những chú rối ngộ nghĩnh cũng được các bàn tay nghệ nhân trau chuốt bằng nghệ thuật sơn mài.
Trong gia đình Chu Nhật Quang, những câu chuyện xung quanh văn hoá truyền thống và nghệ thuật sơn mài luôn chảy như mạch nước ngầm, đã ngấm vào máu Chu Nhật Quang từ khi anh còn ở tuổi thơ ấu.
NSƯT Chu Lượng và NSND Chu Mạnh Chấn. Ảnh: NVCC
Lớn lên, Chu Nhật Quang du học tại Úc học ngành thiết kế ứng dụng, sau đó tiếp tục đi học ở Mỹ. Khi Chu Nhật Quang tốt nghiệp ở Mỹ cũng đúng là thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, anh về nước và từ đó gắn bó luôn với nghệ thuật sơn mài.
Nghệ thuật sơn mài truyền thống được làm rất kỳ công. Riêng công đoạn làm vóc (gỗ) đã mất thời gian khoảng 1 tháng. Trải qua 8 -11 bước, người thợ vừa phải mài, toát sơn, chờ sơn khô và lặp lại quy trình. Chất liệu để làm tranh sơn mài cũng độc đáo và đắt đỏ bậc nhất. Hoạ sĩ sẽ sơn mài cũng vất vả hơn hẳn các chất liệu khác bởi thời gian hoàn thiện mỗi tác phẩm kéo dài.
Thế nhưng tình yêu với nghệ thuật đã ngấm từ nhỏ, từ khi về nước Chu Nhật Quang chỉ vẽ sơn mài. Từ Thởu ấu thơ anh đã mê những chú rối và các linh vật như long, ly, quy, phượng. Vì vậy đây chính là đề tài trong những sáng tác đầu tay của anh.
Tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, các bức tĩnh vật có đề tài như bình hoa bằng gốm, đĩa trái cây mang hương sắc mùa thu, bình nước nghiêng nghiêng trên bàn trà và bình hoa... cũng được Chu Nhật Quang ưu ái. Anh coi đó là vẻ đẹp của đời sống hàng ngày.
Là hoạ sĩ trẻ, anh có sự hỗ trợ của các công nghệ mới trong làm vóc (công đoạn đầu tiên thực hiện tranh sơn mài - PV) để tiến trình hoàn thiện tác phẩm được nhanh hơn, chính vì vậy chỉ trong một thời gian không dài họa sĩ trẻ đã chọn được 50 bức tranh sơn mài trong số nhiều sáng tác của mình, chuẩn bị cho triển lãm đầu tay đầu tháng 10 này tại Hà Nội.
"Thứ 7 - chủ nhật Quang cũng không đi chơi đâu mà chỉ vẽ. Là người mẹ tôi rất xót vì con mê vẽ quá. Nhưng đây chính là tính cách của Chu Nhật Quang từ bé, khi đã đam mê thì làm đến cùng" - bà Hồ Cẩm Thạch, mẹ Quang chia sẻ về con trai.
Một số tác phẩm của Chu Nhật Quang. Ảnh: NVCC
Chu Nhật Quang cho biết từ khi làm tranh sơn mài anh đã thấy bị cuốn hút, từ việc ngồi tỉ mẩn gắn vỏ trứng cho tới khi các lớp màu chồng lên nhau tạo ra kết quả ngoài mong đợi: "Quá trình này khiến tôi luôn hồi hộp, đoán đợi kết quả cuối của tác phẩm" - hoạ sĩ trẻ nói.
Hoạ sĩ Thành Chương người đã từng xem tranh của Chu Nhật Quang và cổ vũ họa sĩ trẻ theo nghề vẽ. Ông cho rằng Quang hơn những người cầm cọ khác, may mắn sinh ra trong cái nôi gia đình, từ ông nội, bố đều làm nghệ thuật truyền thống Việt Nam là sơn mài và rối nước. Từ cái nôi ấy, Quang có "bệ phóng" là tình yêu với nghệ thuật sơn mài.
"Có nền tảng gia đình như vậy lại được tiếp nhận những kiến thức hiện đại của mỹ thuật đương đại, ở Quang có sự thoải mái trong sáng tạo. Xem tranh Quang thấy cái hiện đại, cá tính con người. Quang đã hoà trộn được truyền thống và hiện đại vào tranh một cách dung dị, không gượng ép" - họa sĩ Thành Chương bày tỏ.
Tháng 10 này, Chu Nhật Quang có triển lãm đầu tay tại Hoàng thành Thăng Long. Chia sẻ với PV. Dân Việt, hoạ sĩ cho biết anh đang hồi hộp về những điều mình thể hiện trong tranh, sắp tới sẽ được ra mắt công chúng. Với những người làm công việc sáng tạo, đó chính là những khoảng khắc hạnh phúc nhất.
0 nhận xét:
Post a Comment