Chuyến tác nghiệp không có ngày về
Hàng chục nghìn hình ảnh, kỷ vật, tư liệu liên quan đến nghề báo, người làm báo Việt Nam được tập hợp về Bảo tàng Báo chí Việt Nam . Sáng 19/7, câu chuyện về những kỷ vật của liệt sĩ nhà báo được kể lại trong khuôn khổ tọa đàm Màu ký ức. Màu ký ức có sắc đỏ của máu cha ông đã hi sinh và cống hiến. Ký ức cũng có màu xanh hy vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những người làm báo đương đại. Tọa đàm Màu ký ức do Liên chi hội Nhà báo Bộ VHTTDL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức.
Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Bộ VHTTDL Phan Thanh Nam khẳng định, với vai trò thư ký của thời đại, gần một thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà. Bảo tàng Báo chí Việt Nam trở thành ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 nghìn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ của nền báo chí Việt Nam.
“Trong số đó có những tài liệu nhuốm màu thời gian, nhưng là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Nhiều tài liệu, hiện vật vô giá của những nhà báo - chiến sĩ đã đổ máu, hi sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh tới độc giả”, ông Phan Thanh Nam nói.
Nhà báo Trần Văn Hiền (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An) suốt 6 năm qua miệt mài viết về chân dung những nhà báo liệt sĩ. Nhà báo lão thành nhớ lại nhiều câu chuyện xúc động về những nhà báo hi sinh trên đường tác nghiệp.
“Giai đoạn 1963-1975, có 66 nhà báo đi vào chiến trường và 19 người trong số đó hi sinh. Nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ (báo Trường Sơn) trúng tuyển đại học nhưng gác lại đường học hành, viết đơn bằng máu xung phong ra chiến trường rồi mất ở lũng Ka Tốc (tỉnh Khăm Muộn, Lào) do giẫm phải mìn trên đường đi công tác. Nhà báo Nông Văn Tư (báo Điện ảnh Quân đội) chọn trận địa pháo phòng không là nơi tác nghiệp để ghi lại những thước phim ác liệt nhất. Tháng 12/1971, trận địa pháo bị ném bom, nhà báo ngã xuống khi vẫn ôm hộp phim, vai đeo bình ắc quy dự phòng, toàn thân đầy máu còn ánh mắt hướng về phía ga Vinh”, nhà báo Văn Hiền kể.
Nhiều nhà báo mất ở chiến trường, hài cốt của họ nằm trong ngôi mộ tập thể. Dọc sông Thu Bồn (Quảng Nam) cũng có tới hơn 100 nhà báo ngã xuống. Trước ngày lên đường, không ít người viết di chúc cho gia đình vì biết khó có ngày về. Tháng 6/1965, để lại hai con ở hậu phương miền Bắc, nữ nhà báo Lê Đoan được tổ chức bí mật đưa về căn cứ của T.Ư Hội Phụ nữ giải phóng Việt Nam ở Nam bộ. Bà nhắn với đồng nghiệp rằng: “Vẫn còn nửa trái tim rung đập mỗi khắc ở miền Bắc xa thẳm” - nơi hai con đang ngóng từng ngày. Tối 2/11/1966, nhà báo Lê Đoan và toàn bộ lãnh đạo Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Tiền Giang hi sinh vì trúng bom.
Không chỉ tưởng nhớ bằng kỷ vật
Nhà báo cũng chính là chiến sĩ, lấy cây bút, máy ảnh, sổ tay làm hành trang lên đường. Nhiều nhà báo ra đi nhưng không có một dòng tin, không còn nơi thờ tự. Gia đình nhiều năm mòn mỏi đi tìm thông tin. Năm 1997, nhà báo Trần Văn Hiền về Hải Phòng gặp bà Nguyễn Thị Thân - vợ nhà báo Vũ Hiến hi sinh năm 1979. Bà Thân kể, khi biết tin mộ chồng được chôn cất tại tỉnh Kiên Giang, bà vào đó xin làm thủ tục đưa ông về quê. Nhưng khi cất bốc phần mộ của ông Hiến, bà Thân đau xót vì đó không phải hài cốt của chồng. Căn cứ để bà Thân nhận dạng là ông Hiến có một chiếc răng được mạ vàng, nhưng hài cốt trong ngôi mộ cất lên không có.
Dịp này, gia đình nhà báo liệt sĩ Phan Tứ Kỷ (Nghệ An) cũng trao lại một số kỷ vật cho Bảo tàng báo chí Việt Nam. Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ là phóng viên ảnh, hi sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam Quân khu 4 (Quảng Trị) khi mới tròn 25 tuổi. Trước lúc ra đi, liệt sĩ Phan Tứ Kỷ để lại hàng trăm lá thư viết cho gia đình, bè bạn và rất nhiều tấm hình được chụp từ chiến trường khốc liệt.
Sau này, nhà báo Văn Hiền được biết, nhà báo Vũ Hiến cùng một số chiến sĩ hi sinh ở Campuchia đã bị địch đốt xác. Đó là lý do bà Thân không xác định được hài cốt của chồng.
Từ những chuyến đồng hành với thân nhân nhà báo liệt sĩ, nhà báo Trần Văn Hiền quyết tâm phục dựng chân dung hàng trăm đồng nghiệp. “Nhà báo liệt sĩ có hai lần hi sinh. Lần thứ nhất vì bom đạn, lần thứ hai khi họ bị quên lãng. Nhà báo liệt sĩ và thân nhân cần những chính sách quan tâm đặc biệt”, ông Hiền bày tỏ. Ông đề xuất cần những cuộc thi viết về chân dung nhà báo liệt sĩ, thay vì chỉ tưởng nhớ họ qua những kỷ vật trưng bày ở bảo tàng. Đây cũng là cách làm dày thêm những trang tư liệu và kho hiện vật về nền báo chí cách mạng.
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam khẳng định ý nghĩa của những chuyến “về nguồn” - dịp nghiêng mình tri ân những thế hệ nhà báo trong kháng chiến. “Nhiều người hi sinh anh dũng nhưng phải đến cả chục năm sau, thế hệ trẻ mới được tiếp cận những thông tin về họ. Nền báo chí ngày nay rực rỡ nhờ thế hệ làm báo đi trước đã đánh đổi máu xương”, bà Hoa bày tỏ. Bảo tàng báo chí Việt Nam tiếp tục hành trình sưu tầm, giới thiệu những kỷ vật quan trọng của hơn 500 nhà báo liệt sĩ.
Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà báo Văn Hiền vẫn trăn trở với bao dự định tri ân những đồng nghiệp trong cuộc chiến. Ông tâm sự, còn rất nhiều nhà báo đã hi sinh ở khắp các chiến trường vẫn chưa có đủ điều kiện để tìm, để viết về họ. Trong khoảng 5-6 năm, ông viết về chân dung gần 30 nhà báo liệt sĩ. Nhà báo Trần Văn Hiền khẳng định, đây là quá trình dài, gian nan, nhưng bằng mọi giá những người làm báo hôm nay phải làm để nhớ tới công lao của thế hệ cha ông.
0 nhận xét:
Post a Comment