Trailer bộ phim tài liệu The Rescue - Cuộc giải cứu. (Nguồn: National Geographic).
Ngày 8/10 tới đây, bộ phim tài liệu có tên The Rescue kể về hành trình giải cứu hang Tham Luang, Thái Lan do hai đạo diễn, cũng là vợ chồng, từng đoạt giải Oscar, Elizabeth Chai Vasarhelyi và Jimmy Chin thực hiện, sẽ ra mắt công chúng Mỹ.
Cách đây 3 năm, vào ngày 23/6/2018, đội bóng nhí Lợn Rừng cùng huấn luyện viên Ekapol Chanthawong đã đi khám phá hang động ở tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan. Tại đây, họ đã gặp một trận lũ khiến cho cả đội bóng mắc kẹt dưới hang.
Trải qua 9 ngày đêm ròng rã, 13 người mới được phát hiện với các thợ lặn Anh vào ngày 2/7/2018. Sau đó, đội cứu hộ, gồm đội đặc nhiệm SEAL Thái Lan và nhiều nhân viên cứu hộ nước ngoài đã mất 8 ngày, chia làm 3 đợt để đưa tất cả 13 người ra ngoài an toàn. Đây được đánh giá là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nguy hiểm, 1sỹ quan hải quân Thái Lan 38 tuổi đã hy sinh vì thiếu dưỡng khí.
"Cũng giống như cả thế giới, chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện kịch tính thuở nào", Vasarhelyi nói về lý do cô và chồng chọn lựa đề tài của bộ phim, tại Liên hoan phim Châu Á Thái Bình Dương ở Los Angeles, nơi bộ phim tài liệu đã được trình chiếu.
"Câu chuyện này đã mang chúng ta, những người xa lạ trên toàn thế giới, chung tay thay vì chia rẽ, mất đoàn kết. Đây cũng là câu chuyện về trẻ em tại Châu Á, về bố mẹ chúng đã lay động tới trái tim của cả thế giới", Vasarhelyi nói.
Bộ phim tài liệu đã chia sẻ những khoảnh khắc hàng trăm thợ lặn chuyên và không chuyên nghiệp toàn cầu tìm kiếm từng mảnh bằng chứng nhỏ nhoi nhất, trong hang động ngập nước, để thấy rằng lũ trẻ và huấn luyện viên của chúng vẫn còn sống. Sau khi được tìm thấy, họ phải đối mặt với một hành trình khó khăn để đến nơi an toàn, vì những người cứu hộ nhận ra rằng, cách duy nhất để các nạn nhân có thể sống sót dưới nước là sử dụng gây mê bằng ketamine.
Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên mà cặp vợ chồng Vasarhelyi và Chin thực hiện mà họ không có mặt tại hiện trường khi sự việc diễn ra. "Một trong những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt từ rất sớm là không có trong tay bất kỳ cảnh quay thực tế nào" Chin nói. Chính vì vậy, họ buộc phải tái hiện lại những cảnh quay quan trọng.
"Hầu như những cảnh quay dưới nước đều là tái hiện, ngoại trừ những cảnh ở góc nhìn thứ nhất do Hải quân Hoàng gia Thái Lan cung cấp. Ví dụ, hình ảnh tiến sĩ Harris (bác sĩ Richard Harris, chuyên gia gây mê người Úc và thợ lặn hang động, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc giải cứu - PV) tiêm một đứa trẻ, đó là cảnh quay thực. Nhưng khi cảnh quay chuyển sang diễn ra dưới nước thì nó là cảnh tái hiện".
Hành trình làm phim đầy khó khăn
Để sở hữu được những thước phim chân thực, quý giá do Hải quân Hoàng gia Thái Lan ghi lại, vợ chồng nhà làm phim đã phải bỏ nhiều công sức. Chin cho biết ngay khi họ bắt tay vào thực hiện bộ phim, đã có nhiều tin đồn rằng có nhiều thước phim quý được đơn vị Hải quân này ghi lại. "Thế nhưng chúng tôi không biết ai đang sở hữu và độ dài các thước phim ấy là bao nhiêu", Vasarhelyi chia sẻ.
Mặc dù vậy, họ vẫn bám lấy "tấm phao cứu hộ" này, Vasarhelyi đã tới Thái Lan, gặp gỡ Hải quân và đề nghị được sử dụng đoạn phim này. Mọi nỗ lực đã được đền đáp, các nhà làm phim thực sự đã bắt được vàng khi được trao quyền sử dụng thước phim chân thực dài tới 90 tiếng đồng hồ, ghi lại nỗ lực giải cứu các nạn nhân của Hải quân Hoàng gia Thái Lan và các thợ lặn tới từ khắp nơi trên thế giới.
Bản thân Chin là một nhà leo núi, trượt tuyết đẳng cấp thế giới, Vasarhelyi thì đã lặn biển từ khi còn rất nhỏ ở quê nhà, thế nhưng cả hai chưa từng lặn trong hang động. "Tôi từng đặt chân tới một vài hang động dưới biển, thế nhưng chưa bao giờ lặn đủ lâu để nhận ra sự khác biệt giữa lặn hang động và lặn ngoài biển. Sẽ không có một khoản tiền nào có thể thách đố tôi chui vào một cái hang mà không có đường rõ ràng để tìm dưỡng khí. Lặn hang động yêu cầu một bản lĩnh, sức mạnh về tinh thần đủ lớn để kiểm soát được cảm xúc của bản thân", Vasarhelyi nói.
Vợ chồng đạo diễn đã kết nối với một số thợ lặn hang động như Rick Stanton và John Volanthen, những người sau này xuất hiện trong bộ phim. Chin cho biết họ muốn làm rõ niềm đam mê lặn hang động, bộ môn được cho là cực kỳ nguy hiểm.
"Luôn có câu hỏi "Tại sao?", và thực sự rất khó để giải thích cặn kẽ căn nguyên cho câu hỏi đó. Thế nhưng bạn có thể giới thiệu một số góc cạnh để chúng ta có thể hiểu được vì sao lặn hang động là một bộ môn nguy hiểm và tương đối bí ẩn này. Đối với họ, nó đã trở thành lẽ sống", Vasarhelyi chia sẻ.
Khi ở Thái Lan, Vasarhelyi đã đi tới hang động, nơi cuộc giải cứu diễn ra. "Tôi đi bộ 2 km để tới nơi lũ trẻ từng mắc kẹt. Có những đoạn mà bạn chỉ có thể chui qua nếu bạn trườn sấp, úp bụng sát xuống đất. Lúc đó tôi cảm thấy cả trái đất đang ép chặt bạn, dĩ nhiên là lúc đó nếu bạn muốn quay lại thì cũng không được nữa, chỉ có tiến về phía trước. Tôi sẽ rất vui nếu không phải trải nghiệm điều kinh khủng đó một lần nữa", Vasarhelyi nói.
Các phân cảnh trong The Rescue cũng giải thích nền tảng tôn giáo địa phương, một trong những bước mà các nhà làm phim đã thực hiện là đảm bảo quan điểm của người Thái được thể hiện trong phim. "Chúng tôi thấy tôn giáo là một phần quan trọng. Những lời cầu nguyện hay kỹ năng của các thợ lặn đã mang lại thành công cho cuộc giải cứu? Ai dám chắc đây? Đó là những quan điểm hoàn toàn khác nhau", Vasarhelyi bày tỏ.
0 nhận xét:
Post a Comment