Sự việc đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng của nghệ sĩ Hoài Linh, Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên và Trịnh Kim Chi đã được phía Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thông báo đã thụ lý làm xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này được dư luận bàn tán. Phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với chuyên gia truyền thông - nhà thơ Nguyễn Phong Việt về lùm xùm đời tư của nghệ sĩ showbiz Việt.
Theo anh, tương tự với Trung Quốc, Hàn Quốc showbiz Việt đang cần một cuộc tẩy chay trên diện rộng với những nghệ sĩ vô đạo đức, đời tư ồn ào?
Tôi tin đấy là một sự cần thiết. Sự lớn mạnh của một thị trường giải trí bao gồm cả tài năng của nghệ sĩ lẫn quyền lực của khán giả. Mối quan hệ cộng sinh này ở Việt Nam có một thời gian dài đã bị lệch về một bên, và đã đến lúc cần thiết lập lại sự cân bằng. Người làm nghệ thuật – bản chất đã có một sự ảnh hưởng nhất định. Vậy thì một khi sức ảnh hưởng với công chúng càng lớn thì càng phải có những chuẩn mực trong hành vi, ứng xử. Không thể để những cái xấu tồn tại như một thách thức về mặt văn hóa, lối sống…
Nguyên do nào khiến cho nghệ sĩ Việt Nam đang quá tự tin vào giá trị của bản thân? Khiến họ có phần "lộng ngôn", hoặc không tôn trọng khán giả?
Mọi thứ có thể bắt nguồn từ việc showbiz Việt lâu nay thiếu đi văn hóa tẩy chay ở diện rộng, trừ một vài trường hợp vi phạm pháp luật rõ ràng. Ngoài ra, văn hóa VN chúng ta hay bao dung theo kiểu "Chỉ đánh kẻ chạy đi…".
Ở mỗi scandal của nghệ sĩ sẽ có mức độ và cách nhìn nhận khác nhau dựa trên hiểu biết, trải nghiệm của người quan sát. Nghệ sĩ cũng là một người bình thường về mặt cảm xúc, thậm chí đôi khi họ nhạy cảm hơn rất nhiều lần… Vấn đề là cách họ ứng xử với lỗi lầm. Thái độ cũng như sự cầu thị với mỗi biến cố diễn ra sẽ quyết định cách khán giả đánh giá về bản chất con người họ. Còn sự thách thức, ở góc độ nghệ sĩ với scandal của họ, tôi cho là không đáng để tha thứ.
Vai trò của truyền thông trong việc định hướng văn hoá thần tượng ở Việt Nam theo anh ra sao?
Tính định hướng của truyền thông về văn hóa thần tượng là cực kỳ quan trọng. Khi mà đối tượng khán giả trẻ, những người có trải nghiệm chưa nhiều, hay để cho cảm xúc lấn át mọi chuyện thì truyền thông là một điểm tựa cho họ nhìn nhận mọi thứ thực tế hơn. Song, nói đi cũng phải nói lại, để đảm báo tính đúng đắn và rạch ròi của mỗi sự việc cần có những người viết, người chia sẻ "chắc tay". Mà điều này rõ ràng là không hề dễ dàng chút nào…
Anh có cho rằng khán giả Việt có đang quá dễ dãi với thần tượng?
Chúng ta từng rất dễ dãi vì khán giả Việt, như tôi đã nói, thường sử dụng "văn hóa Á Đông" một cách không hợp lý ở những tình huống và hoàn cảnh như thế này. Cộng thêm đó, sự phát triển của thị trường giải trí của chúng ta vẫn ở mức độ manh mún, không hề có một cấu trúc và sự bền vững rõ ràng…
Từ đó dẫn đến việc nghệ sĩ cũng ảo tưởng về quyền lực của họ, trong khi khán giả cũng không nhận ra họ có quyền lực với chính những nghệ sĩ mà họ theo dõi lâu nay. Nhưng qua những sự việc ồn ào vừa rồi của giới nghệ sĩ, rõ ràng khán giả đã không còn dễ dãi cho qua mọi chuyện như ngày xưa.
Theo anh, cơ quan chức năng có cần vào cuộc mạnh tay để chấn chỉnh lại văn hoá ngôi sao tại Việt Nam?
Lẽ dĩ nhiên không thể sự việc nào cũng áp vào luật để minh định, nhất là có những vụ scandal mà chẳng thể phân biệt đúng sai rõ ràng nếu như không có người khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, với quyền hạn trong phạm vi của mình, hoàn toàn có thể đưa ra các "mức phạt" phù hợp theo đánh giá của họ đối với scandal nghệ sĩ. "Mức phạt" này không nhất thiết phải hiểu ở góc độ tiền bạc mà đôi khi còn có thể là hình thức cấm sóng, giới hạn hoạt động… thậm chí là từ chối cộng tác.
Người nổi tiếng nói chung và nghệ sĩ nói riêng cần phải làm gì để xứng đáng là người của công chúng?
Nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng không phải là thần thánh để không bao giờ sai. Một con người càng mạnh mẽ, càng tự tin, càng thấu hiểu thì đằng sau họ chắc chắn là có rất nhiều lần vấp ngã, lăn lộn dưới vực sâu…
Mỗi biến cố đều là một bài học của đời sống. Vấn đề là chúng ta học để trưởng thành hơn hay cười khì xem như chẳng có chuyện gì ảnh hưởng đến danh tiếng.
Một nghệ sĩ càng nổi tiếng thì càng phải cân nhắc từng lời ăn tiếng nói vì sức tác động của nó là rất lớn với người hâm mộ họ. Nếu có thể, hãy vừa là một nghệ sĩ tài năng và vừa là một người tử tế!
Chia sẻ với Dân Việt, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, người Việt mình có tính nhẹ nhàng, hay yếu mềm. "Trong làng giải trí hiện tại có một nghệ sĩ cải lương tôi không tiện nêu tên từng bị khởi tố vì tội đánh bạc, nhưng sau đó lại rất đắt show khi làm giám khảo một số gameshow, chương trình thực tế. Thậm chí có nghệ sĩ mặc dù chả hiểu biết gì về bóng đá, cũng được một số chương trình thể thao mời lên bình luận. Việc này rõ ràng dẫn tới khán giả sẽ "ném đá" nghệ sĩ thôi.
Nghệ sĩ là những người có tài, có những vai diễn để đời, có ảnh hưởng tới xã hội… như NSND Trọng Khôi, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương… chứ không phải là một số danh hài hội chợ, chưa có đóng góp nhiều nhưng vì được tung hô nên nghĩ mình là những "ông giời". Thậm chí khán gỉa còn cảm tính tới mức đề nghị phong NSND cho hai nghệ sĩ hài mà bỏ qua danh hiệu NSƯT. Điều này có vô lý và vô lối không?
0 nhận xét:
Post a Comment