Thật vậy, gần 15 năm qua, chùa Pháp Lạc (thuộc thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đã vô cùng quen thuộc đối với ca sĩ Phi Nhung. Nơi đây, chị đã xây dựng nên một mái ấm nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi trong những năm qua.
Chùa Pháp Lạc nằm giữa khuôn viên rộng, bên những cây điều hàng chục năm tuổi, tỏa bóng mát rượi. Ngay cổng chùa, bước vào, hai cây bồ đề hai bên vươn cao cành lá trên đài pháp phật mẹ Quan Âm, càng tôn lên vẻ trầm lặng, từ bi của chùa Pháp Lạc, nơi săn sóc nuôi dưỡng 13 đứa trẻ mồ côi bất hạnh.
Theo lời sư cô Minh Viên, mái ấm ca sĩ Phi Nhung - Vòng tay dưỡng tử được thành lập năm 2008, sau khi sư cô về trụ trì chùa Pháp Lạc được một năm. Trước đó, sư cô và ca sĩ Phi Nhung có dịp đi từ thiện xã hội đến nơi này, nghe nói có một cái am nhỏ ở đây, do những người dân trong vùng tự lập nên để làm chỗ dựa tâm linh của họ.
Thấy thế, ca sĩ Phi Nhung mới động viên sư cô ở lại nơi này: "Chỉ có những nơi khó khăn, heo hút như thế này người ta mới thật sự cần mình". Và từ nơi đây, chỉ một năm sau, tâm nguyện "muốn làm một điều gì đó" có ích cho xã hội không còn là dự định nữa, mà đã trở thành trách nhiệm, là niềm vui của sư cô Minh Viên và ca sĩ Phi Nhung.
Cũng từ đó, tự trong tâm ca sĩ Phi Nhung nảy sinh ý nghĩ, cùng ni sư đi tìm những đứa bé bị bỏ rơi từ các bệnh viện địa phương mang về chùa nuôi dưỡng. Để thực hiện được tâm nguyện này, Phi Nhung mất hai năm để làm các thủ tục giấy tờ.
"Lúc đó, khả năng của tôi chỉ nuôi được bảy, tám trẻ nhưng trong quá trình tìm kiếm, thấy mấy đứa nhỏ mồ côi, không được nhìn nhận từ khi lọt lòng. Thương quá, không kìm lòng được, tôi bóp bụng đưa các con về luôn. Thành ra giờ tôi được 13 đứa con" - Phi Nhung đã kể về những đứa con trong mái ấm nhỏ ở chùa Pháp Lạc của mình như vậy.
Đa số các bé ở đây đều có tinh thần bất ổn, nhưng với tình yêu thương Phi Nhung vẫn nuôi nấng các bé như con ruột do chính mình đẻ ra. Thậm chí, chị còn nhờ chính quyền làm các thủ tục giấy tờ để các bé có thể đường đường, chính chính mang họ Phạm của mình.
Làm mẹ của 1 đứa trẻ đã khó, 13 đứa trẻ lại càng khó hơn. Thế nhưng Phi Nhung vẫn rất vui vì làm được việc nghĩa. Bởi cuộc sống của chúng bây giờ chính là hình ảnh những năm tháng xưa của chị và các em.
Cách đây không lâu, tâm sự về mái ấm của ca sĩ tại chùa Pháp Lạc, Phi Nhung đã cho biết: "Tất nhiên vất vả gấp trăm lần khi mình sống độc thân. Bởi, không chỉ cho các con ăn uống là đủ, mà còn gây dựng tương lai về sau cho các con.
Tôi và sư cô trong chùa cùng nhau mua đất, trồng mì, làm hạt điều, mở quán ăn. Việc gì có ích, có lợi cho các con mà vừa khả năng mình là tôi đều làm, không riêng gì biểu diễn trên sân khấu. Tôi cũng đã mở tài khoản cho mỗi đứa, để sau này chúng lớn mình cũng già rồi, tài khoản đó sẽ là nguồn tài chính ổn định cho các con...".
Ca sĩ Phi Nhung nói: "Sự xuất hiện của mấy đứa nhỏ làm cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Sau những giờ đi diễn, tôi chỉ chuyên tâm vào vai làm mẹ, đi chợ sắm cho từng đứa cái bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, ly uống nước, bình đựng sữa. Tôi hạnh phúc vì tụi nhỏ sống không thể thiếu mẹ Nhung.
Mẹ con tôi gắn với nhau như một sợi dây, cắt một cái là đau thấu trời. Làm mẹ cực lắm, nhưng chẳng thấm vào đâu so với những mất mát của các con. Những lúc ôm tụi nhỏ vào lòng, cho con uống sữa, thay tã lót cho con, rồi những khi rời con đi lưu diễn, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt khóc đòi, chẳng cho mẹ đi, tôi lại thấy làm mẹ sao mà thiêng liêng quá, có những điều chỉ có mẹ mới làm được".
Theo kế hoạch của ca sĩ Phi Nhung, các em tại mái ấm sẽ được nuôi đến 18 tuổi. Sau đó đi hay ở, là quyết định của các em.
Mái ấm ca sĩ Phi Nhung -Vòng tay dưỡng tử như là điểm tựa, nâng bước chân đầu tiên của những hoàn cảnh kém may mắn, để khi trưởng thành các em có thể tự tin bước vào đời, đến với mùa xuân yêu thương của cuộc sống.
Song, trước sự ra đi của ca sĩ Phi Nhung, số phận của 13 đứa trẻ mồ côi (trong đó có 4 em đồng 4 tuổi) như thêm một lần nữa mồ côi giữa cuộc đời.
0 nhận xét:
Post a Comment