Truyện dự thi: Thổn thức gió đồng ~ DẠY CẮT TÓC NAM

Thursday, July 8, 2021

Truyện dự thi: Thổn thức gió đồng

Tôi giờ đang ở một nơi không một hạt bụi nào có thể len vào. Mọi thứ đều sạch sẽ. Những ký ức về làng chỉ còn là những hạt bụi lấm lem. Bay lên và lấp lánh…

Truyện dự thi: Thổn thức gió đồng - Ảnh 1.

Quê hương mùa gặt (Ảnh minh hoạ, nguồn: PNTP)

Tôi tên là Lâm. Đứa con trai duy nhất của bố mẹ tôi. Em trai duy nhất của chị Vân tôi. Và là đứa cháu trai duy nhất của ông ngoại tôi. Tôi không trắng nhưng cũng không đến nỗi đen cháy như những đứa bạn lớn lên ở quê. Tôi ít nói và hay suy nghĩ những chuyện không đâu. Và hơn hết tôi yêu đồng quê.

Tôi không sinh ra ở làng. Nhưng tôi lớn lên ở làng. Làng tôi nằm trong vùng đảo bao quanh là đê chắn sóng. Cả vùng như một cái lòng chảo lớn, thấp hơn mực nước biển. Tục làng truyền, xưa kia đây là một vùng đảo hoang vắng không có sự sống. Rồi những người xứ kinh thành Thăng Long về đây quai đê, lấn biển, lập lên thành làng, xóm. 

Sau này những người dân trong vùng tôn họ là bảy vị Tiên Công, lập miếu thờ. Hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng lại mở hội dâng lễ để tưởng nhớ công ơn những người đi khai hoang mở cõi. Trong ngày hội, các cụ thượng thọ tám mươi, chín mươi và một trăm tuổi được con cháu rước bằng võng đào lên miếu làm lễ tạ ơn các vị Tiên Công. Làng tôi vui nhất vào ngày lễ hội. Già trẻ, trai gái trong làng ai cũng khăn áo chỉnh tề đội mâm lên miếu. Tôi hay được mẹ phân công cầm chai rượu đi theo sau.

Làng nằm giữa cánh đồng rộng thênh thang. Nhà gần ruộng, chỉ bước ra khỏi sân là chạm vào bùn đất. Con sông chảy quanh làng là nguồn sống, là người bạn và cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm buồn, vui của chúng tôi. Làng tôi nhiều cầu. Cầu làm bằng bê tông, bằng những mảnh ván, những thân cây tre già ghép lại với nhau. Có những cây cầu tuổi đời còn nhiều gấp mấy lần tuổi tôi. Những con mương trong làng nhỏ, chằng chịt nối nhau. Chúng cứ như những ngón tay vươn dài vào cánh đồng, vào từng nhà bằng những cầu ao nhỏ, gắn chặt với đời sống của người ở làng.

Bọn trẻ chúng tôi biết bơi từ ngày thơ bé. Học bơi là một cách bảo vệ mình và cũng là một trò chơi không thể thiếu của những đứa trẻ ở làng. Chúng tôi tập bơi bằng chậu thau, bằng cây chuối… Nói chung là bằng những gì có thể giúp nổi lên mặt nước. Trước khi học bơi cái Thơ vạch áo tôi lên, cho chuồn chuồn ngô cắn rốn. Tôi khóc. Nó cười.

Thơ là con chú Thìn. Tính nó như con trai. Tôi cũng coi nó như một thằng con trai.

Gia đình tôi chuyển về làng từ ngày bà nội mất. Bố tôi về sống trên đất lạ. Từ ấy làng thành quê hương của anh chị em tôi. Những người trong làng là họ hàng của mẹ tôi. Họ quý chúng tôi như con cháu trong nhà. Mẹ bảo làng này trước kia người ta toàn gọi là xóm ngụ cư. Tôi không hiểu, chỉ biết những người ở làng kị, không nhắc đến.

Gia đình tôi chuyển về làng ở trong ngôi nhà cũ của ông bà ngoại. Ông ngoại tôi theo động viên đi vùng kinh tế mới. Mãi đến sau này ông bà và dì Lam mới về lại làng. Ông ngoại kể chuyện rất hay. Tôi thường gối đầu lên tay mình nằm cạnh ông để nghe ông kể chuyện hàng đêm trong những ngày ông ở lại nhà. Những câu chuyện về công nhân vùng Mỏ, về cuộc sống ngày xưa như thước phim quay chậm. 

Tôi thấy mình được theo ông lên tận những ngọn đồi cao tít, đi trong những đường giao thông hào dài hàng trăm cây số trong lòng đồi. Được nhìn thấy những gương mặt sạm đen trong lò than sâu tít, những nụ cười và cả những giọt nước mắt. Tiếng súng, tiếng bom, tiếng thét vùng dậy của hàng trăm công nhân vùng Mỏ... Tôi nằm ngửa giữa cánh đồng nghĩ, nếu mình sống trong những năm tháng ấy thì sẽ trở thành một cậu bé như thế nào? Ông tôi bảo, làm người quân tử là vừa phải có khí chất, lại vừa phải có tình. Khí chất là cách mình sống cho quê hương, cho Tổ quốc. Còn cái tình là ở trong tâm hồn. Phải có một tâm hồn đẹp mới nên người. Ông quý sách. Ông dành cả đời để gom những cuốn sách cất trong một chiếc hòm gỗ đã mọt lỗ chỗ.

Ông tôi được chôn cất ở làng. Bố tôi bảo, cả đời ông ngoại đi nhiều nhưng khi mất vẫn muốn về nằm lại trên đất quê hương. Tôi biết, bố đang nói cả phần mình. Bố rời quê lâu lắm, từ ngày mẹ sinh tôi. Cũng chỉ vì quê nghèo quá, không có đất để làm ruộng. Về đây, thấy đất là bố ham, làm như thể để sức vóc khỏi phí. Bố coi đây là quê và bố cũng muốn tôi coi đây là quê. Và tôi đã sống là người ở làng, coi đây là quê. Cả đời sẽ là như thế!

***

Chiều đông. Khi cứ mở mắt ra là thấy cánh đồng trơ gốc rạ khô mục sau mỗi vụ mùa. Đâu đó người ta đốt đồng, loang ra một màu khói, trắng nghẹt. Những con vịt lạch bạch trong cái mương cạn nước, bì bọp mỏ vào bờ cỏ đã úa, nhoi ra chỉ toàn sỏi. Tắt qua cánh đồng là một con đường nhỏ dẫn thẳng vào cổng làng. Cổng làng tôi có từ bao giờ tôi không biết. Chỉ biết gốc cây đa đầu làng có một cái miếu nhỏ hàng ngày hương khói nghi ngút. 

Cây đa là nơi bọn chúng tôi tụ họp nhau mỗi chiều tan học. Những chiếc rễ bâm vào đất cũng to bằng một vòng tay ôm. Nghe đồn đó là cây đa rất thiêng. Đó là cây đa mang linh hồn của người con gái xinh đẹp và gan dạ của làng tôi. Câu chuyện về cô vẫn được các cụ bà trong làng nhắc trong bỏm bẻm cơi trầu… Cô Tân bị giặc bắt năm mười sáu tuổi, chúng bắn rồi treo cô lên gốc đa để làm gương cho dân làng. Mái tóc cô đen dài xõa xuống như chùm rễ đa đen nhưng nhức. Cả làng chôn cô ngay dưới gốc đa và lập miếu thờ. Hàng năm gần ngày giỗ cô người ta vẫn thấy cây đa đầu làng không có gió mà vẫn xôn xao lá. Mẹ tôi bảo ấy là hồn cô Tân về. Người làng ai đi làm ăn xa qua cây đa đều có lễ xin. Khi về lại có lễ tạ. Còn những người đi mà không về thì sẽ bị chết nơi đất khách quê người. Tôi không biết điều ấy có đúng không. Chỉ biết người làng tôi không bao giờ bỏ làng mà đi.

***

Làng tôi vui nhất vào mùa gặt. Cả cánh đồng cứ rộ lên. Trăm thứ âm thanh va vào nhau. Tất nhiên là có cả những giọt mồ hôi thầm lặng nhỏ xuống nơi những gốc lúa còm cõi kia. Người làng ra đồng từ tờ mờ sáng. Trưa lên bờ căng tấm chăn mỏng che nắng, dở cơm ra ăn rồi lại làm cho tới tối mịt.

Lúa gặt xong gánh rạc chân lên đến chỗ tuốt. Đống lúa nhà nọ nối đống lúa nhà kia. Bác Tuất trưởng thôn, nhà cấy một mẫu ruộng, chỉ mình vợ bác và hai người gặt. Bác bận phải làm việc xã, việc làng. Ấy thế mà lúa nhà bác nặng hạt nhất. Ai cũng bảo vì bác mua được giống tốt hơn người làng. Bác chỉ cười.

Chờ tới tối mịt chú Thìn mới đánh máy tuốt lúa về. Chú Thìn là chồng của cô Hoa, là bố của cái Thơ bạn tôi. Cô Hoa là người Nghệ An làm dâu làng tôi mấy năm mà không có con. Cô chấp nhận cho chú Thìn lấy vợ hai. Thơ là con của người vợ sau này với chú Thìn nhưng nó luôn coi cô Hoa như mẹ đẻ. Cô Hoa cũng quý nó như con.

Chú Thìn người cao to, mặt rỗ lỗ chỗ. Chú làm nghề tuốt lúa và có cả cái công nông chuyên chở thóc. Thỉnh thoảng bọn tôi lấy lá chuối làm cờ ngồi trên chiếc xe của chú reo hò chạy về làng.

- Cái nhà anh Thìn đến là lạ. Một anh chồng sống với hai người vợ và ba đứa con gái của vợ hai mà chả bao giờ thấy to tiếng cãi vã.

Tiếng mấy bà ngồi chờ tuốt lúa trên bờ đê xen lẫn giọng cười rôm rả.

Ai cũng rối rít, tuốt cho nhà tôi trước. Đèn pin, đèn pha bật sáng cả một quãng. Hết ôm lúa này tới ôm lúa khác đun vào cửa máy, rơm ra rối thành từng bó phụt lên như người bắn pháo mà chẳng thấy thóc đâu. Đổ vào bao xách lên nhẹ bẫng. Ai cũng lắc đầu ngao ngán. Người này hỏi người kia. Nhà nào cũng thế. Năm nay mất mùa. Mang thóc về cứ như mang trấu. Mẹ tôi đổ ngay ra sân hong trong ánh điện hắt từ nhà ra, cày chân mình trong sân thóc thâm bầm như bị ngâm nước mà rủn gối, ngồi phệt xuống thềm nhà:

- Bao nhiêu là công lao chăm bón.

Bố kéo từng gàu nước lên khỏi miệng giếng, vốc lên mặt.

- Không được mùa cũng phải làm. Để lỡ mùa mang tội!

Mẹ thở dài thõng thượt:

- Trời đất này. Bão lũ thì đến bất thường, sâu bệnh thì liên miên. Chả biết thế nào mà lần.

Tôi mân mê tay mình trên bộ lông mềm mượt màu vàng như hạt thóc của con mèo. Đôi mắt nó lim dim cuộn tròn trong đống bao vất lổn nhổn. Sớm mai mẹ lại dậy sớm ra đồng gieo hạt. Hạt rau cải cúc, cải thìa rắc đều trên những luống vun cao đã được rắc rơm mục sẵn. Rồi những vụ rau chẳng bán được, thành những luống hoa cải vàng rực. Chúng tôi đi dọc cánh đồng ven sông hoa cải rắc vàng dưới chân chỉ thấy những nhọc nhằn rơi vãi… Cái Thơ bảo, sau này lớn lên nó sẽ làm nhà văn, sẽ viết về cánh đồng làng mình. Còn tôi chẳng có ước mơ gì. Chỉ thương người ở làng không làm thì ngủ không ngon, nghỉ tay một ngày là ruột nóng như thiêu như đốt. Thương đất ải. Thương những mùa lỡ vụ. Đã có lúc tôi nghĩ mình phải làm gì đó để thay đổi nếp nghĩ, cách sống của những người làng quê tôi. Nhưng những ý nghĩ chỉ vừa lóe lên đã rơi xuống những luống cày của bố tôi, rơi vào những dấu chân trần sâu lún nơi ruộng bùn của chính tôi, của cái Thơ…

***

Cánh đồng làng tôi cò bay thẳng cánh, vào lúc lúa đang thì cả cánh đồng rập rờn như dải lụa xanh mướt mát. Còn độ lúa vào mùa lại như một bức tranh nắng đổ màu rực rỡ. Tôi hay theo dì Lam ra đồng lội bờ ruộng, vạch cỏ bắt cua đồng. Nắng to cua chui vào cỏ lấp, chỉ cần lật cỏ lên là tóm được, bỏ vào chậu. Tối về qua nhà ngoại ăn bún riêu cua. Dì Lam lấy chồng muộn. Dì bảo ở nhà chăm bà, khi nào bà mất dì mới lấy chồng. Dì nhỏ nhắn, gò má cao, dáng người mỏng. Người làng bảo đàn bà mà cái dáng ấy thì khổ đến chết. Họ nói thế, chứ tôi biết đàn bà ở làng tôi tướng nào cũng khổ cả. Có ai sướng đâu. Nhìn mặt ai cũng chỉ thấy cái nhọc nhằn, cam chịu. Cả đời chả biết đi đâu khỏi làng, khỏi xã.

Dì là giáo viên tiểu học. Ngoài thời gian trên lớp dì còn viết truyện, viết thơ gửi đăng báo. Dì đọc thơ hay như ông ngoại. Dì Lam có một cuốn sổ bìa cứng màu xanh dùng để viết. Đêm nào tôi cũng thấy dì trở dậy bật đèn ngồi viết. Có lần dì mở sổ đọc cho tôi nghe một đoạn. Ngày ấy tôi cứ tưởng dì đọc truyện như ông ngoại đọc cho tôi nghe. Nhưng mãi sau này tôi mới biết đó là truyện dì viết. Dì Lam không yêu ai ngoài chú Tâm. Chú Tâm là giáo viên cắm bản một năm mới về một lần. Bà ngoại biết điều ấy nên bà cấm. Bà bảo đời người đàn bà làm dâu không chồng muôn đời khổ. Đời bà đã thế nên bà không muốn dì Lam sống như thế.

Dì Lam đèo tôi đi học bằng chiếc xe mini màu xanh dương. Dọc đường dì kể cho tôi nghe một đoạn trong cuốn sổ tối qua dì viết. Tôi không nhớ rõ nội dung. Chỉ nhớ đó là một câu chuyện dài. Dài lắm... Cho tới tận khi dì Lam qua sông về làm dâu bên làng Quỳnh thì câu chuyện ấy vẫn còn dang dở. Dì Lam không lấy chú Tâm mà lấy chú Tính. Chú Tính là ông chủ xưởng đóng tàu, thuyền. Đám rước dâu lúc tờ mờ sáng. Lệ làng thế. Không ai nhìn rõ mặt cô dâu xinh, xấu ra sao. Buồn hay là vui. Lễ nhà trai mang sang có trầu cau, đầu lợn, bánh trái, nước ngọt, được tết hoa đỏ. Dì nhét vào tay tôi tờ giấy gấp tư, bảo tôi mang ra bưu điện gửi cho dì. Tôi giở thư. Bức thư đầy nước mắt mà dì thức đêm qua để viết gửi cho chú Tâm. 

Ngày tiễn dì Lam sang nhà chồng là lần đầu tiên trong cuộc đời mình tôi thấy nơi ngực trái nhói đau. Cảm giác như mất mát một cái gì lớn lắm mà tôi không hiểu được. Tôi khi ấy đã là đứa con trai mười bốn tuổi. Chạy ra bờ sông ngồi khóc. Tôi biết trong lòng dì chỉ có chú Tâm. Nhưng vì thương bà ngoại nên dì phải lấy chồng gần. Câu chuyện của dì vẫn còn dang dở. Có lẽ tôi chẳng được biết hồi kết truyện dì viết ra sao. Nhưng chuyện về cuộc đời dì thì tôi biết rõ…

Về làm dâu được một năm thì dì xách quần áo bỏ về làng. Bà ngoại hỏi thế nào dì cũng chỉ nói không muốn quay về cái nhà ấy nữa. Dì quỳ dưới chân bà ngoại khóc: "U tha tội cho con. Con không thể sống với những người ác độc ấy được. Xin u tha tội cho con". Nước mắt dì lăn trên khuôn mặt hốc hác. Những sợi tóc loăn xoăn bết vào đôi môi mím chặt. Bà ngoại chỉ quay mặt vào bếp.

Người ở làng xôn xao chuyện dì Lam bỏ chồng về nhà. Mỗi người thêm thắt vào một chút. Người bảo chồng dì có người đàn bà khác nên đuổi dì đi. Người lại bảo tại dì không biết đẻ nên bị gia đình nhà chồng đuổi về… Những lời thêm thắt ấy làm dì chỉ hai buổi dạy học rồi ở lì trong nhà. Chú Tính sang, dựng xe máy ở gốc bưởi trước nhà, nắm tóc dì lôi lên xe. Dì giằng ra được, ngã sấp mặt xuống đất. Nắm tóc đen trong tay chú rơi lẫn vào những cánh hoa bưởi trắng. Dì không về. Người ở làng bảo dì gàn. Tôi chẳng muốn nghe những lời bàn tán của mấy bà trong làng về chuyện của dì. Bà ngoại tôi cũng vì chuyện ấy mà buồn. Bà ốm mấy ngày không dậy được.

Những đêm trăng sáng không ngủ được tôi chạy ra đồng be bờ tát cá. Dì Lam đi cấy trong đêm. Chắc dì cũng không ngủ được. Tôi hỏi: "Dì không sợ ma à? Dì bảo: "Người chết không đáng sợ. Người sống mới đáng sợ". Tôi im lặng cúi đầu đi vòng qua những ô ruộng trũng tát cá. Thỉnh thoảng ngóc đầu lên nhìn cái bóng loang loáng trong ánh trăng bàng bạc còm cõi trên cánh đồng thông thênh, lặng ngắt. Lòng người đàn bà đi qua những đổ vỡ tĩnh lặng như những ngọn cỏ đêm… Tôi cúi mặt xuống chỉ thấy ánh trăng màu hổ phách sóng sánh trên mặt bùn loáng ướt.

***

Bác Tuất trưởng thôn đạp xe vòng quanh làng thông báo: "Có dự án đi qua đồng. Sáng mai mời bà con lên xã họp". Bác phát giấy có đóng dấu đỏ tròn xoe tới tận từng người trên đồng. Tôi được cử đọc to thông báo cho người làng.: "Căn cứ… căn cứ… Quyết định phê duyệt dự án Cảng biển có diện tích…trên diện tích đất nông nghiệp thuộc thôn X, xã X…" Cánh đồng rộ lên. Ai cũng thắc mắc ruộng nhà mình có vào trong dự án không? Giá đền bù thế nào? Những cái đầu nhấp nhổm quanh hàng rào, dỏng tai nghe thông tin từ chiếc loa treo lủng lẳng trên cây cột điện. Quanh năm cúi mặt xuống bùn, móng chân, móng tay vàng quạch vì đất chua mặn. Vậy mà cứ hễ nói đến đi khỏi làng là sợ. Giờ thì tốt rồi. Dự án vào là được đền bù. Vừa có tiền lại vừa được ở lại làng.

***

Dự án về thật. Con đường công vụ của dự án tắt qua cánh đồng làng lấy đi nhiều diện tích ruộng cấy lúa. Nhà ai có đất vào thì lên xã nhận tiền đền bù. Cả mấy trăm triệu. Mẹ tôi đi lấy tiền về cũng mừng ra mặt. Mấy đám giỗ sắp tới trong năm chắc không còn phải chạy vạy vay mượn nữa. Bố bần thần: "Hết đất thì lấy gì mà làm. Người nông dân mà không có đất thì sống bằng cái gì?" Mẹ hắt đi: "Ông chỉ lo không đâu. Đất ruộng bây giờ cũng có làm được gì đâu. Ôi giời, vào hết cũng không tiếc…". Tiếng mẹ thở dài, lẫn vào tiếng gió đồng vun vút.

Tôi thương cánh đồng bị xẻ nửa, không còn một thảm dài mông mênh tít chân trời nữa. Cua cá sẽ đi đâu?

Cánh đồng bị chia năm xẻ bảy. Như lòng bàn tay đầy những vết xước. Còn những dòng mương kia như những ngón tay bị cắt lìa. Dì Lam bảo: "Giờ người ta tập trung đầu tư vào những vùng có diện tích nông nghiệp để chuyển đổi nền kinh tế sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp kinh tế thấp nên chẳng ai thèm quan tâm. Cứ nhìn phân bón là biết ngay. Toàn đồ giả! Đổ vào đất toàn chất độc hại!". Tôi hỏi: "Dì có thương cánh đồng không?". Dì bảo: "Đồng giờ đã như là chiếc áo vá. Có thương cũng thế thôi".

Đêm đêm dì cũng không ngồi bật đèn viết nữa. Dì bảo đoạn kết trong truyện dì viết cũng buồn lắm. Có lẽ nó vận vào đời dì. Thế nên dì bỏ không viết truyện nữa.

Tôi lội ra cánh đồng. Cua với cá giờ bỏ đồng đi hết. Đồng giờ chẳng còn là nguồn sống cho vạn vật sinh sôi như trước nữa. Lúa còn không lên nổi thì cua, cá, ếch nhái làm sao sống được. Tôi nghe tiếng cát, đá đổ phía trước mặt. Từng đống như những nấm mồ nằm rải rác trên cánh đồng. Những mái nhà ngói nằm sát với khu công nghiệp. Người làng sẽ thở cùng làn khói, uống nguồn nước từ những cái ống nhựa chôn dưới đất dẫn về. Làng quê tôi sẽ được bê tông hóa, không còn lấm lem bùn đất?

***

- Dì Lam mày bỏ làng đi rồi!

Mẹ tôi hét lên, ngồi phệt xuống ôm khăn tay khóc. Tôi chạy ra bến sông. Nhìn sang bên kia chỉ thấy một màu xám ngắt của những dãy núi đá chồng lên nhau. Dì Lam là người đầu tiên dám bỏ làng đi. Tôi ôm cuốn sổ về như ôm bao nỗi buồn tủi, cô đơn của dì... Có những khi tôi thả nó vào cánh đồng thông thênh trong ký ức của tôi. Thả vào những hạt lúa vàng mẩy khi đã rê xong ngoài đường làng.

Chuyện dì bỏ làng đi như một cơn sóng ngầm dữ dội nơi làng quê tôi. Bà tôi không chịu qua được cú sốc ấy nên bà ốm liệt giường. Được một năm thì bà mất. Bà được đưa đi hỏa thiêu vì đất nghĩa trang cũng trong khu quy hoạch dự án. Điều này chưa từng có ở làng tôi. Tro cốt của bà được gửi lên chùa. Mẹ tôi bảo sau này cũng đưa ông ngoại lên cùng với bà. Tôi ngước mắt lên, nước mắt chảy xuống. Đám mây đen lởn vởn bay về phía làng.

***

Dự án vào. Con đường qua cánh đồng dài tít tắp, rộng bằng mấy sào ruộng. Xe chở đất, chở đá, chở xi măng kéo về nườm nượp. Máy ủi, máy xúc đêm ngày làm việc. Đất rung chuyển dưới chân như sạt lở. Những thửa ruộng xưa kia trũng ngập trong bùn thì nay được đổ cao tới ngang hông nhà ngói. Đường vào làng giờ chỉ là con đường nhỏ hẹp ven kênh đã hút cạn khô nước. Những vảy bùn khô, cong vểnh lên. Nhìn xa dòng mương như con quái vật trườn mình.

Bố mẹ tôi dùng tiền bồi thường ruộng mua một đôi bò. Bố chặt tre làm chuồng cho chúng. Tôi nhận phần chăn bò lúc đi học về nhưng bố không đồng ý. Bố bảo: "Anh, chị mày đã học ít thì mày phải học thay cả phần của chúng nó nữa". Tôi biết tôi là niềm hy vọng của bố. Niềm hy vọng vào sự đổi đời nhờ con chữ nơi làng quê nghèo túng này. Người ở làng nghèo đến cả tìm một cuốn sách hay để đọc cũng không có. Những lúc rảnh rỗi tôi chả biết làm gì ngoài thả mình ngoài cánh đồng. Nhìn những cái dáng người lom khom bé nhỏ cày cuốc. 

Cả đời bùn bám lên mặt, hạt thóc, hạt gạo đều dựa vào sức mình, cầu mong thời tiết mưa thuận gió hòa. Chỉ biết như thế. Chẳng còn trông mong vào đâu được. Năm nào mất mùa thì thóc gạo đắt. Được mùa thì thóc gạo rẻ. Làm ra hạt gạo cơ cực là thế nhưng giá trị hạt gạo thì lại phụ thuộc vào trăm thứ. Người ở làng tôi dù đói khổ là thế mà bao nhiêu năm qua vẫn không bỏ làng. Vậy mà dì Lam tôi dám bỏ làng mà đi. Tôi mang nỗi buồn về làng, về những người đàn bà nơi làng quê tôi trong trái tim của thằng con trai chưa trưởng thành. Để nuôi một ước mơ. Ước mơ rời khỏi làng. Rời xa những nỗi buồn đeo đẳng trong tôi…

***

Cái Thơ để nguyên quần áo đồng phục ở trường hớt hải: "Cây đa đầu làng sắp bị người ta chặt rồi". Tôi bảo nó: "Ai cho chặt cây đa?" Nó bảo: "Bố tao đi từ nãy", "Thế bố mày cũng đi chặt cây đa à?" Nó cúi đầu: "Người ta trả tiền…". Tôi nhảy lên xe, đạp theo nó. Cây đa là linh hồn của làng tôi. Từ trước tới nay người ở làng vẫn coi đó là điều linh thiêng, cấm kị. Không ai được động vào. Ai cũng biết rõ điều này. Các cụ trong làng sẽ không đời nào cho chặt cây đa. Trừ khi...

Dáng cái Thơ lom khom gồng mình đạp trên con đường dự án đổ đất đá ngổn ngang. Nó cách tôi chỉ vài mét. Tôi vẫn thấy cái bóng áo trắng và đuôi khăn quàng đỏ của nó bay qua vai. Nó đã lớn. Đã là đội viên. Mái tóc dày ngang vai ra dáng một đứa con gái, chứ không giống một thằng con trai như ngày bé nữa. Tôi trộm nghĩ nếu nó không lớn lên ở làng chắc nó sẽ phổng phao, trắng trẻo như những đứa con gái khác. Bỗng. Xe Thơ lao xuống dốc. Tôi nghe thấy tiếng hét của nó. Rồi tiếng hét của tôi. Tôi thấy màu khăn quàng của nó lẫn vào vũng máu chảy ra từ trên đầu.

- Thơ ơi!

Đáp lại tôi chỉ còn có gió. Gió mồ côi lạc lõng trên cánh đồng tắc nghẹt.

Về đâu?

Người làng kéo đến lôi nó lên. Cái Thơ không cười với tôi nữa dù tôi đã nắm lấy tay nó, lay rất mạnh. Tôi nhớ mãi đến khi bố lôi tôi ra ngoài thì tôi mới buông tay nó ra. Chú Thìn chạy đến, tay lăm lăm dao rựa. Múa một vòng, vừa chạy vừa khóc. Nước mũi lẫn nước mắt, lẫn cả bụi đất đỏ.

Người làng đưa Thơ ra cạnh sông, cách làng tôi chừng một cây số. Đám tang của đứa con gái còn quá trẻ đã khiến không khí trong làng tôi lặng ngắt suốt mấy ngày. Ngoài tiếng máy xúc, tiếng xe chạy trên đường của dự án thì chỉ còn tiếng thở dài. Tôi không biết sau đó người làng tôi đã đấu tranh giữ lại cây đa như thế nào. Chỉ biết tất cả những chiếc máy chạm vào thân cây đa đều bị hỏng. Người làng thắp hương nghi ngút. Khói quẩn trong lòng cây đa trắng nghẹt. Tôi vẫn tin cây đa có linh hồn. Linh hồn của cô gái xinh đẹp và gan dạ nhất làng tôi. Linh hồn của cả làng tôi.

***

Những người ở làng sau dần cũng bỏ làng đi làm ăn xa. Người làng không còn xôn xao vì chuyện có người bỏ làng đi. Vì làng tôi đã buồn tẻ lắm rồi, những nếp cũ ngày xưa cũng đã dần phai nhạt. Người làng nhà nào cũng lo làm, lo mua xe, xây nhà cao tầng cho vượt khỏi cái con đường nối dự án như cây cầu sắt nằm ngay trước mặt. Tiền đền bù ruộng đất được bao nhiêu cũng dồn vào xây nhà, mua xe máy hết. Xây nhà xong thì cũng coi như chẳng còn đồng tiền nào trong nhà. Ruộng hết. Tiền hết. Người làng lại bảo nhau đi làm ăn xa.

Bố tôi bậm bụng bán mấy con bò đi. Đồng giờ không còn rộng thông thênh để lũ bò nhởn nha gặm cỏ được nữa. Mẹ tôi tiếc: "Bán đi thì lấy gì mà làm. Ruộng giờ đã vậy, không làm buồn chân buồn tay lắm". Bố tôi không bán bò. Cột chúng trong cái chuồng được xếp lên bằng những viên gạch vôi. Ngày ngày quẩy quang gánh ra đồng cắt cỏ, vơ rơm về đánh thành đống cho nó ăn. Lũ bò không còn được ăn cỏ non thì lá cây dại gì nó cũng ăn. Mấy con bò gầy đi mắt trông thấy. Ruộng hết. Những gói hạt cải ủ trong người không còn chỗ mà gieo xuống. Những nhánh mạ không còn đủ chỗ để cấy cho bõ ngày. Mẹ quanh quẩn hết đi ra vườn nhổ từng cọng cỏ dại rồi lại quay vào bếp.

Chiều xuống khói bếp cay xè mắt. Mùi khoai nướng cũng trở nên xa xỉ. Không gợi nên cái đói khổ thèm thuồng của những gương mặt nhọ nhem tụi trẻ chăn trâu ngoài đồng lất phất mưa tháng mười hai nữa. Tôi ngồi bó gối trên cành cây ổi đã cong võng xuống mặt ao, chỉ còn những chùm quả trái mùa lắt lẻo. Phía trên đường cái những chiếc xe tải nối nhau, đổ lại đằng sau bụi đỏ cuốn mịt mù. Màu đỏ như màu khăn quàng trên cổ áo, trên ngực Thơ của tôi. Có lẽ dù bao lâu sau nữa, hình ảnh ấy không thể nào ra khỏi ký ức của tôi. Nó khiến trái tim tôi âm ỉ đau.

Chú Thìn sau đó bị điên, đi lang thang trong làng. Người làng bảo đó là cái giá chú phải trả vì dám xúc phạm thần linh ở cây đa làng. Người bảo chú điên vì nhìn thấy đôi mắt con gái mở trừng trừng vuốt mãi không nhắm lại. Tôi thì nghĩ chú bị điên vì do chú uống rượu bữa. Nỗi day dứt về cái chết của đứa con gái nhỏ mà người làng đổ lên đầu khiến chú Thìn tìm đến rượu. Rượu làm người ta quên đi những nỗi đau trước mắt. Nhưng rượu cũng làm đầu óc con người ta quẩn quanh với những kí ức nhớ nhớ quên quên.

Những buổi chiều ra đồng mẹ đi như chạy ra ruộng cũ. Quen chân. Quen vụ. Nhưng khi nhìn những đám đất đá đổ ngổn ngang thì mẹ ngồi thụp xuống. Buột miệng: "Đúng ra giờ là đang vụ cấy ở cái ruộng này. Ô ruộng này trũng, năm nào cũng phải tranh thủ cấy trước chứ đến mùa mưa nước ngập quá đầu gối". Giờ ruộng cao tới ngực. Đất đá lổn nhổn. Mẹ ngồi đấy, đôi mắt buồn hơn những vụ mùa mất trắng. Những ngọn gió đồng cũng không còn thông thênh mát lành nữa, chúng mang mùi khét của nhựa đường, mùi khô khốc của xi măng. Và bụi của trăm thứ bụi từ những chuyến xe qua hắt lại…

"Đồng giờ đã như chiếc áo vá, có thương cũng thế thôi!" Tôi nhớ lời dì. Không biết giờ này dì Lam tôi phiêu dạt nơi nào? Dì đã tìm được người đàn ông của đời mình chưa? Hay vẫn còn cô đơn. Dì ở nơi phố phường đông đúc hay luẩn quẩn với đồng ruộng nơi một ngôi làng khác. Dì có nhớ tôi, nhớ làng nữa không? Tôi nhắm mắt lại, chỉ thấy mịt mù bụi đỏ.

***

Tôi gò lưng đạp xe qua những con dốc ngược, rải nhựa trơn trượt đi học. Chiếc xe đạp màu xanh dương của dì Lam theo tôi hết những năm cấp hai, rồi vào cấp ba.

Tôi được vào học trường công lập nên đi xa hơn. Ngang qua cánh đồng vào mùa mưa lại chỉ muốn cởi quần nhảy xuống đồng bắt cá như ngày xưa. Cả cánh đồng tắc nghẹt, nước lênh láng, lụt quá bờ, chỉ còn lơ phơ những chiếc lá ngoi lên như những chiếc kim cắm trong màu bùn đục. Bằng trí tưởng tượng của mình tôi hình dung ra một cánh đồng xanh mướt trải dài trước mắt. Những ô ruộng được ngăn bằng những đôi bờ cỏ non tít tắp, giẫm chân mình trên ấy chỉ thấy những mềm mượt và sương mát lịm buổi tinh mơ. Những chú cua giương đôi mắt và hai chiếc gọng vàng như thách thức bàn tay nhỏ bé của chúng tôi. Chỉ chờ chúng tôi vồ hụt, là khoắng nước đụng ngầu lọt tỏm vào hang. 

Những chiếc hang sâu hoáy, ẩn trong đám cỏ mà bàn tay những kẻ xâm lấn của chúng tôi phải lọt tới tận khủy tay và có lúc phải chịu được nhát cắp sắc bén, đòn tấn công nhanh gọn của chủ nhà bên trong mới lôi được chú cua ra. Người ta cứ bảo ngang như cua. Còn tôi nghĩ, cua là con vật kiên cường thì đúng hơn. Bởi có lần, thọt tay sâu vào hang, chịu một nhát cắp sắc bén của chú cua đực. Mẩm bụng làm gì có chuyện tao chịu thua mày. Xem ai ngang hơn ai. Tôi lôi nó ra. Chiếc càng như gọng kìm sắc bén vẫn cắm chặt vào ngón tay trỏ của tôi. Đau nhức. Không thể vẩy tay một cái thật mạnh để nó buông ra. 

Tôi đành nhẹ nhàng, nhẫn nhịn hạ bàn tay mình vào giỏ để chú ta bỏ ra, rơi tọt xuống. Nhưng không. Nó vẫn nghiến chặt lấy đầu ngón tay trỏ của tôi. Một giọt máu đỏ tươi. Tôi bắt đầu khóc và lẩm bẩm: "Đồ ngang như cua". Dì Lam xót: "Cho tay xuống ruộng nước đi". Tôi làm theo. Một lúc sau chiếc gọng càng mở ra kèm với đó là một luồng nước đục ngầu. Chú ta mất hút một cách ngoạn mục trước mặt tôi. Dì buộc tay cho tôi bằng lá cỏ khô. Vẫn thấy nhưng nhức. Từ đó tôi khâm phục loài cua đồng.

Những con cá vảy trắng lấp lánh như sao lượn lờ trong làn nước sóng sánh khi cơn gió thoáng qua. Tôi thích nhìn những đôi mắt đen tròn của những con cá chép. Thích mình bảy màu sắc rực rỡ tung tăng trong những con mương của những con cá cờ. Cá cờ là loại cá mà đứa nào trong chúng tôi cũng thích. Chúng mềm mại, nhiều màu sắc và nhỏ vừa bằng một ngón tay. Tôi nhớ có lần be bờ tát cá, được con cá cờ nào là tôi cho riêng vào cái chai nhựa, mang về thả vào bể. Cá cờ bơi trong bể nước, thi thoảng lượn lờ trên mặt nước trong veo khiến mỗi buổi sáng múc nước rửa mặt đánh răng của tôi không còn là cực hình mẹ ban.

Những buổi chiều hè được nghỉ học, tụi con trai bọn tôi ra vườn bắt những con Ốc Ma. Sau cơn mưa Ốc Ma bò rất nhiều. Đó là loài ốc có thân to, mình dài vằn, miệng rất lớn. Ốc ma bắt được lấy đá ghè ra, cắt thịt từng miếng rồi thắt bằng dây chuối được buộc vào cành cây, ngồi vắt vẻo thả cần câu. Chỉ một lúc thấy nằng nặng nhấc lên là một lũ rạm bâu vào cắp mồi. Lúc ấy chỉ cần lấy cái rổ thưa chao xuống là tóm gọn chúng. Một lúc câu là có thể được lưng giành. Mang về cho mẹ rang với lá lốt. Rạm rang lá lốt vừa thơm lại vừa có vị ngậy. Có thể ăn với cơm hoặc ăn vã cũng rất ngon.

Tôi nhớ cả những con tép đồng được cất bằng những chiếc vó làm bằng những thanh tre mỏng buộc túm bốn góc tấm vải màn hình vuông. Thính để cất vó thì làm bằng cám gạo, rang thơm phức. Khi cất tép chỉ cần lấy cây tre dài, hạ vó xuống gần bờ sông, bỏ một ít thính trong lòng vó. Chờ một chút là nhấc vó lên, những chú tép thân trắng đục, nhảy lách tách trong lòng vó. Vung lên, túm lại, chụp trong lòng tay, bỏ vào giành. Tôi thường theo bố đi cất vó vào những buổi chiều râm mát. Bố dạy tôi cách làm vó, gấp vó và hạ những nơi có nhiều tép.

***

Truyện dự thi: Thổn thức gió đồng - Ảnh 2.

Hình ảnh minh họa truyện dự thi "Thổn thức gió đồng"

Bố dạo này yếu hơn. Về đêm ông hay ho khan. Những cơn ho dai dẳng. Mẹ tôi tìm mua thuốc của các thầy lang trong làng, sang cả làng bên, nhờ những người quen cắt hộ. Bệnh của bố tôi không đỡ. Có lần tôi thấy bố ho ra máu. Ông lau sạch vào chiếc chăn mỏng đắp trên ngực. Bố tôi nhất quyết không đi bệnh viện. Ông cứ bảo ông tự biết bệnh mình, đi chỉ thêm tốn kém. Mẹ tôi nước mắt vòng quanh. Quay ra quay vào cũng chẳng nhờ cậy ai khuyên được bố đổi ý.

Mẹ ghi số điện thoại trong tờ lịch bảo tôi lên bưu điện gọi điện cho chị Vân. Chị tôi lấy chồng rồi đi làm mãi tận trong Biên Hòa. Người nhận điện bảo chị đã chuyển phòng từ tháng trước. Tôi nhờ nếu gặp chị Vân tôi thì nhắn dùm: Bố ốm nặng, về ngay.

Bố tôi nhất quyết không nằm bệnh viện. Bố bảo để bố nằm ở nhà. Mẹ tôi khóc. Tôi khóc. Tôi mong chị Vân từng ngày. Mấy ngày sau nữa thì bố tôi mệt lắm rồi, chỉ ăn được ít cháo trắng, uống nước cơm. Tôi và mẹ thay nhau trông bố. Chỉ sợ lúc bố tôi nhắm mắt mà bên cạnh không có ai. Tôi ngồi nhìn hai lỗ mắt ông sâu hõm xuống. Đôi bàn tay rặt những xương buông thõng trên chiếc giường đơn bệch bạc. Cả cuộc đời bố tôi làm không nghỉ. Đôi bàn tay đến khi chỉ nằm một chỗ còn bám đất, đôi bàn chân còn lấm bùn. Ông rời quê nhà khi không còn một người thân nào, rồi về quê mẹ tôi là làng bây giờ. Ngoài mẹ và chị em tôi bố chẳng còn ai là người thân ruột già. Mộ bà nội cũng được bố tôi mang theo về làng. 

Vậy nên chúng tôi là tất cả niềm hy vọng của bố. Hy vọng vào sự đổi đời, hy vọng vào sự bám chặt nơi một làng quê, thành quê hương thật sự, chứ không phải tha phương như ông. Và tất nhiên là những tháng ngày cuối đời của ông cũng chỉ có mẹ và tôi. Cảnh nhà quạnh vắng. Tôi đã quen với cảnh nhà quạnh vắng trong ngày giỗ bà nội, ngày tết hằng năm. Đã đứng bên hàng rào nhà mình nhòm sang nhà bên xem họ hàng người ta quây quần, con cháu đông đúc, chúc tụng. Ngày giỗ, ngày tết làm cơm ngồi kín cả sân. Nhưng khi bố tôi nằm đây một mình thì tôi mới thấy hết nỗi xót xa, trống trải.

Bố tôi mệt lắm rồi nhưng vẫn chưa đi được. Lần nào mở mắt ra ông cũng nhìn quanh tìm chị Vân. Người làng bảo bố tôi đợi chị Vân về mới đi. Nếu chị không về được thì phải lấy áo hay cái khăn của chị đặt lên đầu giường. Khi ấy người ốm sẽ thanh thản ra đi.

Chị Vân tôi không về kịp.

Bố tôi trút hơi thở cuối cùng lúc trời vừa hửng sáng. Khi một ngày mới vừa bắt đầu lên. Nhưng những ngày tháng của bố thì không còn nữa. Tôi ôm bố. Tiếng khóc khản đặc như tiếng con mèo con bị trói chặt vào sợi dây xích. Người làng bảo phải chờ chị Vân tôi về mới được làm ma. Nhưng không chờ được chị Vân tôi về. Tôi mặc áo xô trắng, đầu chít khăn tang, tay cầm khăn tay bịt miệng, tay ôm ảnh bố đi trước quan tài. Mẹ tôi không được đưa ma bố tôi ra đồng, lệ làng kiêng. Vậy là cả đám đưa ma bố tôi chỉ có người của làng. Vài chiếc khăn trắng đội đầu là của người họ hàng bên mẹ tôi. Hôm đó trời mưa tầm tã. Người đưa ma bố tôi cũng vội vã.

Hôm sau thì chị Vân tôi về. Chị gập người trên nấm mộ khóc ngằn ngặt rồi thắp lên bàn thờ bố mấy nén hương. Mắt chị sưng húp lên.

Mẹ tôi ôm chị Vân:

- Biết làm sao được. Phận làm thuê, xa quê nay đây mai đó. Thôi con ạ. Bố mày cũng không trách đâu.

Đêm đó tôi không ngủ. Tôi nằm giữa chị Vân và mẹ. Mắt tôi chong chong vào màn đêm đen đặc. Từ nay tôi sẽ là trụ cột của gia đình, sẽ là người đàn ông duy nhất trong nhà. Người đàn ông duy nhất để mẹ tôi trông vào khi tuổi già. Là bờ vai để chị Vân tôi khóc khi chồng say xỉn, đánh đập chị. Tôi biết, cuộc đời còn dài lắm. Dài gấp mấy lần năm tháng tôi đã đi qua. Buồn gấp mấy trăm lần những cái buồn tôi đã trải qua. Và mất mát gấp mấy nghìn lần những mất mát mà tôi đã mất. Nhưng tôi phải sống. Và phải sống tốt. Tốt hơn những năm tháng đã qua. Vui hơn những nỗi buồn đã trải.

***

Mẹ tôi không cho mang đồ dùng của bố tôi đi đốt ngoài mộ ngay khi lúc chôn cất xong như lệ làng thường thế. Mẹ bảo, còn áo quần bố trong nhà là còn hơi ấm bố, nhà bớt lạnh. Đến khi bốc áo thì mới được mang đốt hết. Tôi thấy mẹ nói đúng, có quần áo bố trong nhà là có hơi ấm, như bố vẫn ở nhà, bên mẹ con tôi.

Người làng đã đón nhận bố về làm người của làng, đón nhận chị em tôi là con cháu của làng. Giờ đất làng lại đón nhận bố tôi về đất của làng, là ma của làng. Hương hồn bố tôi sẽ ở mãi đây, trên đất làng tôi. Và như thế bố tôi mãi là người của làng. Cũng như chúng tôi. Sau này dù có đi đâu, làm gì, ở đâu, chúng tôi mãi vẫn là con của làng.

Chị Vân tôi ở lại nhà qua giỗ đầu bố tôi thì lại phải cùng chồng vào Biên Hòa. Đêm trước ngày đi chị giấu tiền dưới gối đầu tôi nằm. Tôi khóc không thành tiếng. Sáng hôm sau tôi mượn thuyền đưa chị qua sông. Nhìn theo bóng chị tay xách nách mang mà lòng tôi đau nhói. Có bao giờ chị tôi được yên vui trọn một nơi, nơi ấy là quê hương. Cả đời là quê hương. Không còn phải lang thang theo chồng nữa không?

Mẹ tôi vẫn bảo, đời người con gái sướng nhất là khi còn được ở với bố mẹ mình. Khi ấy được sống là mình nhất, niềm vui, nỗi buồn là của mình. Còn khi lấy chồng rồi thì niềm vui, nỗi buồn đều của chồng, của gia đình chồng, của con mình hết. Tại bến sông này bao chuyến đò đã đưa những người con gái làng tôi mặc áo đỏ qua sông. Vậy mà có mấy ai khi trở về lại nơi bến sông này còn áo đỏ, môi hồng như thuở ấy? Có người trở về rồi lại phải ra đi trong nước mắt, trong buồn tủi, trong sự dè bỉu "Xưa nay đàn ông bỏ vợ, chứ ai đời đàn bà bỏ chồng". 

Thói đời ấy đã ăn sâu vào tâm can những người đàn bà qua sông, ăn sâu cả vào những gia đình có con gái đi lấy chồng. Không cho họ quyền quay đầu lại, không cho họ quyền được qua sông thêm một lần nào nữa… Chị Vân tôi cũng sẽ phải trói đời mình vào người chồng suốt ngày say xỉn hành hạ chị. Chị sẽ sống cả phần cho linh hồn bố tôi thanh thản, cho mẹ tôi nhẹ lòng…

***

Tôi trở lại với ruộng đồng, nơi những mảnh ruộng ít ỏi còn lại một năm hai vụ gieo cấy. Người làng tôi từ những người nông dân chỉ biết cấy lúa và trồng rau giờ đi làm thợ xây và làm thuê cho dự án. Cuộc sống bớt lam lũ và cơ cực hơn. Nhưng sao tôi vẫn thấy đầy bất an khi đi giữa làng quê mình tiếng còi xe và nhạc băng ầm ĩ thay cho những lời hát ru con mỗi buổi trưa hè. Bọn trẻ rúc đầu vào đống rơm chơi trò trốn tìm. Khóc rồi tự nín. Chúng cứ hồn nhiên như cỏ, lớn và lớn lên. Chẳng bao giờ biết đòi hỏi và nũng nịu. Tôi thương chúng còn hơn tuổi thơ mình đã qua.

Mẹ tôi đêm nào cũng đóng cửa ngồi tết chổi rơm đến muộn. Sớm mai mang ra chợ bán cũng đủ tiền mua thức ăn qua ngày. Tôi thương đôi bàn tay gầy rặt những xương của mẹ. Qua những vụ mùa mà vẫn còn vương mùi rơm rạ. Những ngôi nhà trong làng đã khang trang, không khí khác trước nhiều lắm. Còn trong ngôi nhà tôi, mọi thứ dường như vẫn thế. Vẫn không gian bình lặng và an yên, như mạch nước ngầm âm ỉ chảy.

Hai cánh cổng tre mở hé. Chắc mẹ đã đi chợ về. Tôi hạ mấy cái vó xuống sân, đổ tép từ trong giỏ ra nhặt. Con mèo chạy ra, ngửi mùi cá kêu "ngoeo ngoeo". Tôi ôm nó vào giữa hai chân. Con mèo vùng ra, thu mình vào một chỗ, chăm chú nhìn rổ tép đang nhảy lách tách.

Tiếng dép lẹp kẹp dừng trước khoảng sân ngập nắng:

- Lâm!

Tôi ngẩng đầu lên. Trước mặt tôi là người đàn bà mảnh khảnh, hai gò má nhô cao lưa thưa những đốm tàn nhang. Đôi mắt to đen nhìn tôi.

Tôi thảng thốt:

- Dì Lam!

Dì đứng đó, không chạy lại xoa đầu tôi như ngày bé nữa. Có lẽ vì tôi đã cao lớn lắm rồi. Giờ dì không còn coi tôi như một thằng bé buổi sáng dì dắt ra đồng bắt cua, đêm đêm ôm vào lòng đọc truyện cho nghe nữa. Sau mấy phút ngỡ ngàng tôi mới nhận ra đứng cạnh dì là một bé gái mặc áo hoa đỏ, thắt hai bím nơ xinh xắn đang tròn xoe mắt nhìn vào tôi.

- Chào anh Lâm đi con!

Con bé ôm hai chân mẹ. Dì Lam bế nó lên, thơm thơm vào má con rồi quay ra tôi. Giọng dì chầm chậm nhưng rõ từng từ, giống như cái đêm tôi gặp dì ngoài cánh đồng:

-Dì sinh em trong Nam đấy. Tên nó là Cải, hoa cải bên sông làng mình đấy Lâm!

Tôi cười với Cải. Dì đặt tên em nghe cũng buồn quá. Tôi dẫn dì ra giếng, kéo gàu nước đổ vào chậu thau. Dì Lam vốc nước rửa mặt rồi rửa cho Cải. Tôi không hỏi dì về năm tháng đã qua. Nhìn dì vui với đứa con gái là tôi biết dì vui vẻ lắm. Mẹ tôi vẫn bảo, cá chuối đắm đuối vì con. Đời người đàn bà chẳng gì bằng đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Nó là tương lai, là lẽ sống của cả đời người đàn bà. Đàn bà bất hạnh nhất không phải là người đàn bà không được chồng thương yêu mà là người đàn bà không con.

Mẹ đã nghe tin dì Lam về từ đầu làng nên dáng vẻ tất tả. Quẳng quanh gánh trên vai xuống:

- Dì Lam đâu?

Dì nhìn mẹ. Vẫn đôi mắt to đen bình thản và an vui như nhìn tôi ban nãy. Bao năm rồi tưởng những nỗi giận dì vẫn còn chưa nguôi ngoai trong lòng mẹ. Tưởng những nỗi xấu hổ vì có đứa em gái bỏ chồng rồi bỏ cả làng mà đi vẫn còn khiến mẹ không muốn nhìn mặt dì. Vậy mà… Mẹ khóc.

Tôi lớn lên chứng kiến bao nhọc nhằn trên vai mẹ mà chưa lần nào thấy mẹ khóc. Chỉ những mất mát mới làm mẹ rơi nước mắt. Còn giờ đây? Là niềm vui đấy chứ? Sao mẹ khóc? Tôi chạy đến đặt tay lên vai mẹ. Mẹ ngồi xuống thềm, đầu cúi xuống, quệt ngang tay áo. Dì Lam lại gần ôm vai mẹ. Hình như dì không khóc. Đôi mắt dì vẫn bình thản như thế. Từ cái ngày dì quỳ trước mặt bà ngoại xin bà tha tội nhưng nhất quyết không trở lại nhà chồng. 

Tháng năm có thể khiến con người ta tiều tụy đi, yếu mòn đi. Nhưng tháng năm lại khiến ý chí của con người ta can trường và bền bỉ. Khi đã đi qua được những nỗi đau, những mất mát lớn nhất của cuộc đời thì ắt hẳn sẽ không có gì khiến con người ta mềm yếu nữa. Nhưng có lẽ cái mất mát lớn nhất ấy là trái tim kia đã đanh chắc lại, ít cảm xúc hơn, như một cách để tự vệ, để không bị tổn thương thêm bất cứ lần nào nữa. 

Tôi nhớ dì Lam của tôi những ngày ngồi chong đèn viết thơ và truyện gửi đăng báo. Dì Lam lúc ấy với mái tóc dài luôn được tết gọn gàng. Đôi mắt trong veo nhìn mà cứ như đang cười. Đó là những tháng năm đẹp nhất của dì. Giờ, đi qua thời con gái dì vẫn giữ được thần thái trong ánh mắt. Đó là ánh mắt của người đàn bà đã trải người, đã thấu hiểu sự đời nên bình tâm trước mọi cái. Ông ngoại tôi vẫn bảo, chỉ cần cái tâm mình an yên, thanh thản là mọi thứ sẽ xuôi hết. Tôi tin cái tâm của dì Lam tôi đã an.

Tôi dỗ em Cải, bế em ra ngoài vườn.

***

Mẹ ngẩng đầu lên:

- Những năm qua dì ở đâu? Sao không đánh điện về cho u?

- Em thân gái một mình lang thang, mãi mới tìm được nơi an yên chị ạ.

- Thế có biết ngày u mất không?

- Mãi sau này gặp lại người quen em mới biết.

- U ra đi thanh thản. Tro cốt u gửi lên chùa làng. Mai tôi với dì lên ấy với u.

- Vâng.

Mẹ tôi nhìn về phía bé Cải đang chơi:

- Nó là?

- Là con em!

- Ừ. Thôi, hai mẹ con thay quần áo để tôi làm cơm.

Câu chuyện riêng của mẹ và dì tưởng sẽ dài lê thê mà lại ngắn chỉ từng ấy câu. Cách ứng xử của những người thật sự yêu thương nhau thật ra lại vô cùng đơn giản. Tất cả những nỗi giận hờn, những thắc mắc sẽ ngừng lại khi nhìn thấy người mình mong ngóng, chờ đợi bao lâu xuất hiện trước mặt mình vẫn bình yên và khỏe mạnh. Thế thôi, tôi nghĩ mẹ tôi cũng nghĩ như vậy.

Bữa cơm sau bao năm xa cách ấm cúng lạ. Lâu lắm rồi tôi mới lại được gặp lại dì, tưởng như sự xa cách này không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Khoảng cách sẽ dài hơn khi những suy nghĩ của mỗi người cứ bó hẹp vào chính bản thân mình. Khi ta nhìn rộng hơn, nghĩ cho người khác một chút thôi cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản đi rất nhiều. Người làng tôi bao năm qua vẫn không nhận ra điều ấy. Họ khó chấp nhận cho những người đàn bà làm lại cuộc đời mình.

Em Cải đã quấn lấy tôi chỉ bằng mấy con trâu tôi làm bằng lá mít, buộc dây chuối giật giật. Trò đó làm em cười khanh khách. Tôi làm con hươu, con ốc sên, con chó sủa gâu gâu bằng đôi bàn tay trên bóng ánh đèn hắt vào tường nhà. Cải cứ đuổi theo những cái bóng đó, thi thoảng lại ngã lăn ra đất, cười rồi lại đuổi. Tôi bắt cho em cả con dế mèn kêu rung reng góc bếp… 

Tôi không biết những năm tháng qua dì và em đã sống ở đâu, em đã có một góc tuổi thơ như thế nào. Chỉ biết Cải thuộc về làng quê này. Tôi sẽ cho em biết tất cả những điều thú vị mà một đứa trẻ quê có được. Để khi nào lớn lên em sẽ nhớ về, sẽ thấy mình giàu có hơn bất cứ cô cậu thành phố nào. Em có cả cánh đồng rộng thênh thang với đủ thứ cây và hoa. 

Em có cả một dòng sông xanh hiền hòa và êm ả. Cả một bầu trời rộng bao la, ở đó em có thể ngắm những cánh chim trời bay mùa di trú và lại thấy chúng trở về khi mùa xuân đến. Em sẽ không phải tự ti và sợ hãi như tôi trước bất cứ ai. Em là Cải, là bông hoa đẹp nhất trên cánh đồng làng quê mùa mưa giăng… Và tôi muốn em lớn lên trong lời ru hơn là những nhạc băng ầm ĩ, những ồn ào làm em khóc trong cả giấc mơ. Để khi nào lớn lên em sẽ biết những lời ru của mẹ mãi theo ta cả cuộc đời "Mẹ thương cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn".

Cải ngủ trong vòng tay tôi như con mèo nhỏ. Tôi mỉm cười nghĩ tới lúc em gọi tôi trên đường làng. Lúc em lớn lên. Rồi đi học. Em sẽ có tuổi thơ khác với tôi, chỉ có nụ cười thôi, không phải là những mất mát hằn sâu.

Mẹ và dì Lam nói nhiều chuyện lắm. Mãi tới khuya đèn mới tắt. Tôi không nghe được câu chuyện của hai người. Hai chị em gái đã đi qua hết nửa đời người đàn bà với bao nỗi vất vả, nỗi buồn hằn trên đôi bàn tay, trong ánh mắt. Vẫn là tôi, người con trai duy nhất, trong ngôi nhà mình, trong cuộc đời của những người đàn bà tôi vừa thương lại vừa giận.

***

Dì Lam đi. Tôi lại là người đưa dì qua bên kia sông. Dì Lam tôi cũng đã khác. Không còn là cô dâu áo đỏ, khăn voan sang sông tinh mơ về làm dâu nhà người nữa. Giờ dì đã là mẹ, là vợ của một người đàn ông lớn tuổi. Nhưng đó là bến đỗ của đời dì, không khác được nữa. Tôi đẩy chiếc sào mà nặng như đóng cọc vào lòng sông, giá như bến sông này tôi chẳng phải là người đưa những người tôi yêu mến rời xa mình. Cải ôm chân tôi, tay kia nắm chặt con trâu tôi làm bằng lá mít buộc dây chuối tặng em. Tôi cúi xuống, vuốt hai bím tóc xinh xắn của em:

- Cải đi, lớn nhanh rồi về chơi với anh nhé!

Không biết em có hiểu tôi mong em ở lại đến thế nào không mà em buông tay tôi ra, ngoan ngoãn:

- Vâng ạ!

Dì đi. Về làm vợ lẽ, sống cùng nhà với người vợ cả. Mong người ta thương dì, mong khi đi qua những tháng ngày đau buồn sẽ là những nụ cười phía trước. Chỉ là những nụ cười thôi…

Tôi ngước mắt nhìn những cánh diều bằng giấy đang bay lên khoảng không trong buổi chiều đầy gió. Ai cũng có một ước mơ… Dẫu từ lấm lem bùn đất và khói rơm. Rồi đây lũ trẻ kia cũng thế, chúng lớn lên và cũng cần nuôi một khát vọng cho riêng bản thân mình. Và tôi cũng thế. Nhưng tôi biết dù đi đâu thì làng vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí tôi, là nơi tôi mong muốn được trở về.

0 nhận xét:

Post a Comment