Đọc sách cùng bạn: Để có một văn bản sự thật về chiến tranh ~ DẠY CẮT TÓC NAM

Thursday, July 15, 2021

Đọc sách cùng bạn: Để có một văn bản sự thật về chiến tranh

Đọc sách cùng bạn: Để có một văn bản sự thật về chiến tranh - Ảnh 1.

Bạn nghe tên tác giả này thấy có quen không? Phan Thúy Hà là tác giả mấy cuốn sách mà trước đây tôi đã từng giới thiệu ở mục đọc sách này và cũng đã gây được tiếng vang và hiệu ứng trong công chúng vì một lối viết khác lạ với nội dung khác biệt. Đó là những cuốn "Đừng kể tên tôi" nói về phận những người lính thường ở phía Bắc và người thân của họ ở hậu phương; "Tôi là con gái của cha tôi" nói về phận những người lính thường ở phía Nam; "Gia đình" nói về phận những người bị nạn trong cải cách ruộng đất. 

Lối viết của Phan Thúy Hà là phi hư cấu, là sự thật được bày lên trang sách bằng lời kể của người trong cuộc được tác giả nghe và ghi lại và trình bày một cách trung thực, khách quan tối đa, ẩn đi cái phần chủ quan bình luận, diễn giải của người viết. Đọc sách của Hà là đọc vào cuộc đời riêng tư của mỗi con người, là đọc vào từng cảnh ngộ sống, từng thân phận cá thể. Sức nặng và giá trị trang viết của Hà chính là ở chỗ để sự thật lên tiếng trần trụi như thế.

"Những trích đoạn của các anh" vẫn tiếp tục mạch viết này của Phan Thúy Hà, nhưng cũng đã khác. Gọi là những trích đoạn vì đây là những mảnh hồi ức chắp nối của một người lính, của nhiều người lính, may mắn sống sót sau cuộc chiến 1954 - 1975, nhưng ám ảnh chiến tranh theo họ suốt đời. "Tôi làm cuốn sách này vì người lính bộ binh. Vào trận đánh, thân thể họ phải hứng chịu các loại hỏa lực của đối phương dội xuống, nhằm vào. Tôi muốn mọi người biết về họ nhiều hơn." – tác giả nói rõ ở đầu sách nội dung trang viết của mình.

NHỮNG TRÍCH ĐOẠN CỦA CÁC ANH

Tác giả: Phan Thúy Hà

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2021

Số trang: 287 (khổ 13,5x20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 120.000

Hồi ức của những người lính trong sách này vì thế chỉ là nhớ về những cuộc hành quân, những trận đánh và về những cái chết mà mình ngẫu nhiên thoát được, còn nhiều đồng đội thì phải nằm lại chiến trường. Những cái chết khốc liệt, đau đớn, tàn bạo.

Chết riêng lẻ: "Tôi lật xác lên. Cái xác không còn sọ. Một mảnh bom phạt từ gáy lên tới trán. Xác tóp lại. Lớp da từ trán tụt xuống mũi. Tôi kéo lớp da mặt lên. Một vết sẹo mờ bên dưới mắt hiện ra. Đúng là Thái." (tr. 53).

Chết tập thể: "Hơn 600 con người nằm phơi lưng trong rừng cây không lá cho sáu máy bay oanh tạc mà không được bắn lại phát nào để rồi mất đi hơn 250 người vào chiều 22.4.1969." (tr. 155).

Chết gần hết cả một đơn vị 500 người như K8 sau một tháng bị bao vây nhằm "hy sinh một bộ phận nhỏ để giành thắng lợi toàn cục." (tr. 136).

Chiến thắng nào cũng trả giá bằng cái chết. Không như cảnh phim quay tại chiến trường mà cũng phải dàn dựng. "Trong những ngày này, có một tổ quay phim chiến trường tới. Họ chọn một cái xác xe tăng địch bị cháy từ lâu nằm ở mé rừng, cách trận địa chục cây số. Họ tưới xăng lên xác xe, bố trí một tổ B40 nằm trong những bụi cây cách đó chừng trăm mét và bắn tới. Cái xác xe tăng trúng đạn bốc cháy đùng đùng. Họ quay cảnh phim đó." (tr. 220)

Những người lính khi đã đứng trong đội ngũ, khi đã đối mặt kẻ thù, họ không sợ chết. Họ chỉ mong có được đồng đội cùng quê để lỡ họ chết người bạn sống được trở về sẽ kể lại cho mẹ mình biết mình đã chết thế nào. Họ chỉ kinh ngạc sao có những cấp chỉ huy giữa lúc bom đạn ác liệt lại bỏ trốn, thoái lui, để mặc lính bơ vơ, chịu chết (tr. 67, 196). Họ chỉ mong nếu sau này còn sống trở về "Tớ mua năm mét vải Mỹ A về may cho vợ hai chiếc quần, chỉ đêm mới mặc, để xoa mông cho thích." (tr. 152). 

Vải Mỹ A đen, trơn bóng, may quần mặc mỏng nhẹ. Nhưng người lính đó đã chết sốt rét ở chiến trường và kỷ niệm này được người lính còn sống đến bây giờ nhắc lại mà không nhớ tên anh. Bản thân người lính kể lại chuyện này cũng đã toan dùng thuốc nổ tìm tới cái chết cho mình trong thời bình bởi khi từ chiến trường trở lại nhà anh bị chặn hết đường sống vì bản lý lịch gia đình bị chính quyền xã phê rất xấu. (tr. 175)

Phan Thúy Hà đã ghép nối, xâu chuỗi các trích đoạn của người lính sống sót trở về để tạo thành một văn bản sự thật về chiến tranh. Tên sách "Những trích đoạn của các anh" vừa đúng vừa hay. Mỗi người lính là một mảnh của chiến tranh, một trích đoạn của lịch sử. Nhưng người chỉ huy, người viết sử không được phép coi họ chỉ là những trích đoạn để có thể bỏ quên hoặc bỏ qua trong trang sử trang văn trang đời của một thời chiến tranh đã qua. Đau đáu nỗi niềm trong lời kể của các cựu chiến binh là sự day dứt mắc nợ với các đồng đội đã ngã xuống, với đồng bào đã đùm bọc che chở mình những ngày kháng chiến. 

Đối ngược với đó là sự thờ ơ, vô ơn của người hôm nay đối với máu xương đổ xuống của người hôm qua. "Tôi làm đơn đề nghị trung đoàn tổ chức tìm kiếm. Đơn gửi đi, gọi điện thúc giục nhưng họ khất lần, bảo chờ ý kiến sư đoàn với quân đoàn và cuối cùng là không làm gì." (tr. 229). Không làm gì, nên không chỉ một người lính hy sinh bị mất cả hồ sơ và hài cốt, đến cả cái tên trên bia tưởng niệm cũng không có. Không làm gì, nên ai viết thành tích cho các anh để K8 có thể được phong danh hiệu đơn vị anh hùng. Không làm gì nên để bà má từng giúp đỡ hết mình cho bộ đội hồi trận mạc giờ bị bắt phải kê khai giấy tờ mới được hưởng chính sách. Không làm gì…

Cuốn sách là hồi ức của những người lính miền Bắc, nhưng ở cuối sách tác giả đã nối thêm "…Và những câu chuyện cần tiếp tục được kể ra". Ở phần này tác giả mới chỉ đưa ra ba chuyện kể về những người lính miền Nam của ba người kể, trong đó có cả lính Bắc và cả con của lính Nam. Kỳ lạ nhất là chuyện một lính Bắc bị bắt làm tù binh được một sĩ quan Nam hết sức xa lạ che chở, giúp đỡ trong suốt thời gian lao tù từ Đắc Lắc về Sài Gòn ra Phú Quốc. 

Đó vẫn lại là những trích đoạn cần thiết cho một văn bản chung. Mà ngay ở phần trước của sách, trong chuyện của một người lính Bắc đã có cảnh ngồi ở nhà một người lính Nam ngày đầu tháng 5/1975 (tr. 114-119). Họ đã trò chuyện với nhau, từ đề phòng gượng gạo đến cởi mở sôi nổi. Ai cũng chờ mong tin tưởng ở ngày mới. Để rồi thực tế không như là mơ. Và như thế cuốn sách tiếp theo của Phan Thúy Hà (tôi tin chị còn viết tiếp) càng đáng được chờ đợi.

"Những trích đoạn của các anh" đã là cuốn sách thứ ba của Phan Thúy Hà theo nội dung chị tự mở ra cho mình. Viết về chiến tranh từ góc nhìn người lính thường trong cuộc từ cả hai phía. Mà nếu nói về mạch viết phi hư cấu, để tự con người và sự kiện lên tiếng, thì đây đã là cuốn sách thứ tư của Hà. Để thực hiện lựa chọn này Hà đã phải tốn rất nhiều công sức thời gian gặp người, nghe chuyện, ghi chép, xử lý tư liệu, và thể hiện bằng một cách viết mà chị thấy là đủ khả năng thuyết phục nhất về sự thật. 

Nhà xuất bản Phụ Nữ trước đây và nay là Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam đã đứng ra cấp phép cho tất cả những sách này của Hà. Phần còn lại in ấn, phát hành tác giả tự mình làm với mong mỏi những điều ký thác của các nhân chứng cho mình viết ra sẽ đến được với những người thực lòng thực tâm muốn đọc muốn biết. Trong khoảng thời gian năm năm làm được những cuốn sách như vậy quả là đáng nể phục tâm huyết và công phu của Phan Thúy Hà.

Hiệu ứng của những cuốn trước đã được lan tỏa. Hy vọng "Những trích đoạn của các anh" sẽ tiếp tục được cộng hưởng và chia sẻ sâu rộng trong bạn đọc. Vì tôi tin đọc xong những trang viết của Phan Thúy Hà người đọc đều có nhu cầu muốn biết thêm những chuyện của người lính, muốn được viết ra thêm những trích đoạn khác của họ và cả của chính mình. Bởi lịch sử là một thực thể được làm nên và viết nên từ những trích đoạn cá nhân của những con người cụ thể.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 15/7/2021

0 nhận xét:

Post a Comment