Đạo diễn Trần Lực, bạn thân của NSND Trọng Trinh chia sẻ, từ khi chưa nổi tiếng với "Săn bắt cướp" Trọng Trinh đã là "kẻ thù" của toàn bộ thanh thiếu niên trong khu vì khuôn mặt "sát gái" của anh. Trần Lực nói vui: "Chị em cứ trông thấy Trọng Trinh là những anh trai bên cạnh thành vai phụ hết".
Đạo diễn của "Chuyện nhà Mộc" cũng vui vẻ cho biết, anh "bán" Trọng Trinh không biết bao nhiêu lần, nhất là những lúc cần động viên chị em: "trên xe ô tô đi diễn ở tỉnh, chỉ cần kể chuyện Trọng Trinh là không còn ai say xe cả", Trần Lực hóm hỉnh kể.
Sau vai Nam Hà, Trọng Trinh được rất nhiều fan nữ công khai bày tỏ tình cảm. Một nhà thơ nữ trẻ còn dành tặng anh những vần thơ tha thiết, trở thành thơ tình chép sổ tay của nhiều thế hệ học trò: "Romeo giữa cuộc đời có được bao nhiêu? Mà cô gái dám làm Juliet/ Xuân Hương ơi! Màu trầu xanh tha thiết/ Nhưng tìm hoài đâu có kẻ ăn chung?".
Mới đây nhất, Trọng Trinh vào vai ông Tín trong "Hãy nói lời yêu" cũng là một vai đào hoa, khiến gia đình nghiêng ngả vì người tình. Chia sẻ về vai diễn này, anh cho biết: "Tôi và nhân vật này có rất nhiều điểm chung ngoài đời. Ông Tín giống tôi từ tính cách, con người và cả những biến cố gia đình. Hầu hết trong nhiều gia đình, người bố mang trách nhiệm là trụ cột và chăm lo cho các thành viên, tuy nhiên phải làm thế nào lại rất khó.
Người bố rất yêu các con nhưng không biết cách để bày tỏ với chúng, khiến những đứa con tổn thương. Chính bản thân ông ta về sau cũng phải trả giá. Cá nhân tôi rất thích nhân vật này vì có nét tương đồng với đời sống của tôi. Những từng trải đời thường giúp tôi hoá thân vào nhân vật trọn vẹn hơn".
Trọng Trinh đã trải qua hai cuộc hôn nhân, hiện nay anh sống cùng bà xã khác nghề kém anh 16 tuổi. Họ quen nhau và nên duyên trong lúc làm "Cầu vồng tình yêu" 10 năm trước, hai người cưới nhau ngay khi phim còn chưa kết thúc.
Không chỉ là một diễn viên nổi tiếng, Trọng Trinh còn rất thành công với vai trò đạo diễn. Các phim "Sân tranh" và "Sang sông" đều lần lượt được giải Vàng tại các Liên hoan phim truyền hình.
Giữa đạo diễn và diễn viên, anh thấy "vai" nào khó hơn?
- Làm đạo diễn thì nặng đầu hơn. Diễn viên chỉ có vai ấy, vai nọ... diễn sao cho hay là được rồi. Đạo diễn phải chịu sức ép từ nhiều phía, phải lo lắng, phải trăn trở, day dứt liên tục, đau đầu lắm.
Vậy cái lợi khi làm một đạo diễn có gốc gác là diễn viên?
- Là mình kiểm soát được diễn xuất. Ngay trong trường Điện ảnh sinh viên học khoa đạo diễn bao giờ cũng phải học qua môn diễn xuất. Ở nước ngoài cũng vậy. Giữa diễn được và diễn hay nghe rất gần, mỏng manh như một sợi tóc nhưng thực ra nó cách nhau cả một nền văn hóa đấy.
Dư luận đang khá ầm ĩ về một số phim truyền hình có hướng đi và xử lý ngoài mong muốn của khán giả, anh từng gặp trường hợp có những khán giả không hiểu hoặc không chịu hiểu phim của anh?
- Đó là một điều đau xót đấy. Phim đầu tay của tôi: "Mưa dầm ngõ nhỏ" suýt làm Trọng Trinh đâm đầu vào tường. Có gì đâu, chỉ là cảnh một ông giáo già xếp gạch qua vũng nước cho cô học trò bước đi, rồi sau này cô ấy thành danh, có một cậu thanh niên phóng xe qua tạt nước ướt hết người ông giáo. Ông chỉ đứng nhìn theo... Thế mà rồi một ông học Tổng hợp ra nghĩ thế nào lại viết ầm ĩ lên báo bảo thế là đạo diễn bôi nhọ nghề giáo. Lúc đó tôi thất vọng kinh khủng, một người cũng gọi là trí thức mà còn hiểu như thế...
Có nhà văn nói là ở Việt Nam hiện nay thiếu những thái độ thiện chí (chủ yếu của những người cùng làm nghề) đối với những tác phẩm mới ra đời. Thay vì hoan hỉ, chào đón thì họ lại chê bai, thậm chí "đánh đập" thô bạo... và điều ấy làm thui chột sự nhiệt tình...
- Sợ lắm. Không phải ông ta nói ngoa đâu. Nếu ai cũng lăn tăn bình bình thì không sao, tự nhiên loé lên một cái là có chuyện rồi. Ở ta có cái xấu là người này thích chê người kia cho bằng nhau, nhiều người ủng hộ chủ nghĩa trung bình. Tôi cho rằng không có ai làm phim nào cũng hay, nhưng nếu nó đã được giải gì đó, được dư luận tốt thì có nghĩa ít nhiều nó cũng phải có một cái gì đấy. Mình thử mở tất cả lòng mình ra, đón nhận với tất cả mong muốn "đãi cát tìm vàng" thì tự nhiên sẽ thấy khác. Nhưng hình như cái tôi của nhiều nghệ sĩ lớn quá, người ta tự gắn cho mình cái mác này mác kia, thế là tự nhiên cho phép mình quyền được phán xét. Mà lại toàn phán xét lẫn nhau.
Vậy theo anh điều gì sẽ thuyết phục được khán giả nếu người ta thực tâm làm phim một cách nghiêm túc?
- Với tôi nghệ thuật không phải là cái gì quá cao siêu, nó gần gũi, dung dị với mọi người. Một bộ phim thu hút khán giả là bộ phim nói được những điều gần gũi với họ. Điện ảnh không phải là cái gì to tát quá, không cứ phải nói với nhau những lời căng cứng. Nhiều người cứ hay bị gồng lên làm bản thân người xem cũng bị căng thẳng.
Cho đến nay bộ phim nào làm anh ưng ý nhất?
- Tôi chỉ thấy những cái tàm tạm thôi, không phải là ưng ý hẳn. Khổ thế. Cứ làm xong rồi lại thấy nó thiếu cái này, chưa được cái kia, lại chán. Tôi hay bị ức chế chuyện ấy.
Hiện nay, NSND Trọng Trinh đã lên chức ông nội nhưng anh chưa muốn nghỉ ngơi, "ờ nhà mấy ngày là chán", anh nói.
0 nhận xét:
Post a Comment