Mới đây, Bộ VHTT&DL đã có công văn trả lời thắc mắc của nhiều người về việc xem xét lại việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho đạo diễn NSND Trần Văn Thuỷ và Đào Trọng Khánh.
Công văn viết: "Công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lĩnh vực Điện ảnh năm 2021 được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lĩnh vực Điện ảnh năm 2021 đã họp, xem xét thảo luận từng hồ sơ trên nguyên tắc công khai, khách quan, độc lập, dân chủ của từng thành viên và tiến hành bỏ phiếu kín, kiểm phiếu, công bố kết quả ngay tại phiên họp Hội đồng.
Căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của các thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Điện ảnh, cụm tác phẩm phim tài liệu: Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai do NSND Trần Văn Thủy đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm và cụm tác phẩm phim tài liệu: Một thế kỷ - một đời người, Giọt nước giữa đại dương do NSND Đào Trọng Khánh đại diện làm hồ sơ đăng ký tác phẩm không đạt đủ số phiếu đồng ý 80% của tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp nên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ".
Khi hay tin hai cây đại thụ của làng phim tài liệu Việt Nam bị gạt khỏi Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương bày tỏ: "Tôi cảm thấy rất buồn và tiếc. Nếu các đạo diễn được vinh danh lần này thì đó là vinh dự với Hãng phim và cũng là nguồn động viên cho tất cả các nghệ sĩ cống hiến nhiều hơn". Ngoài ra, rất nhiều đạo diễn và giới làm phim cũng cảm thấy tiếc nuối cho hai "cây đa, cây đề" này.
Chia sẻ riêng với phóng viên Dân Việt, NSND Trần Văn Thuỷ cho biết, thời gian qua ông phải nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện 354 (Hà Nội) vì căn bệnh mãn tính về đường tiêu hoá, sức khoẻ sa sút khá nhiều. Vì thế, ông không màng gì đến chuyện thế sự và chuyện xét tặng giải thưởng. Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Hải – nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã nhiều lần động viên ông về nhà để làm hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm tác phẩm của mình nên ông đã xin bệnh viện về nhà làm xong hồ sơ rồi quay lại điều trị tiếp.
"Thực tế là từ hồi còn trẻ, khi bắt tay vào làm phim, tôi đã không hề nghĩ đến bất kỳ một chuyện gì khác ngoài việc làm những gì có ích nhất cho quốc gia, dân tộc, nhân dân. Vì thế, khi đã ở vào tuổi "gần đất, xa trời" tôi cũng không ham hố gì chuyện thành tích nọ, giải thưởng kia. Tôi được nhiều đồng nghiệp cho biết, mình bị trượt khỏi giải thưởng Hồ Chí Minh cách đây hơn 1 tuần.
Tôi không lấy làm buồn vì điều này bởi việc này do các cơ quan cấp trên và hội đồng xét tặng giải thưởng quyết định. Quyết định thế nào thì tôi chấp nhận thế. Nếu ai đã từng đọc cuốn hồi ký "Chuyện nghề của Thuỷ" thì mọi người sẽ hiểu về sự chìm nổi của tôi trong suốt cuộc đời làm phim. Từ những năm còn "ngụp lặn" trong chiến trường với bom đạn, đói khát, sốt rét, ngạt hầm… cho đến những lần đối diện với "sinh tử" khi vật lộn với khó khăn và thiếu thốn của công việc làm phim", NSND Trần Văn Thuỷ nhấn mạnh.
Kể về cụm tác phẩm đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, NSND Trần Văn Thuỷ có nhiều kỷ niệm. Với ông, đây không đơn thuần chỉ là những tác phẩm tâm huyết và thành công mà còn là những "đứa con tinh thần" đúng nghĩa.
Những người dân quê tôi được thực hiện từ 1967 đến 1968, kể về cuộc sống của những người dân bình thường trong chiến tranh ác liệt ở miền Nam Việt Nam. Phim đầu tay, đoạt giải Bồ Câu Bạc trong Liên hoan phim Quốc tế Leipzig 1970, Giải Bông Sen Bạc Liên hoan phim Quốc gia và nhiều giải thưởng khác.
NSND Trần Văn Thuỷ kể, bộ phim này lấy bối cảnh quay ở nhiều huyện: Quế Sơn, Duy Tiên, Đại Lộc, Hoà Vang, Thăng Bình… của tỉnh Quảng Đà xưa, nay là tỉnh Quảng Nam. Thời đó, ông quay bộ phim này mất 6 tháng và khi quay xong phải nhờ ông Nguyễn Thế Đoàn ở Điện ảnh Bưng Biền Nam Bộ để tráng phim. Phim tráng dưới dạng dương bản xong bị xước, hỏng, tù mù… nhưng dựng lên lại thành một bộ phim hiệu quả, đoạt được hàng loạt giải thưởng.
"Sau khi đi học ở Nga về, tôi bắt tay vào làm Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai… Trong chuỗi phim tôi làm liên tục ấy, nhiều phim đoạt nhiều giải thưởng cao ở các liên hoan phim uy tín. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu chuyện hậu trường phía sau những bộ phim và giải thưởng đó mà kể ra sẽ ly kỳ không khác gì phim trinh thám. Bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" nếu không có sự giúp sức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ khó mà ra mắt được. Sau đó, bộ phim đoạt hàng loạt giải thưởng quốc tế, gây chấn động làm phim trong nước.
Rồi bộ phim "Chuyện tử tế" cũng gây chấn động khi được 12 nước như: Pháp, Nhật Bản, Anh, Úc, Mỹ… mua bản quyền để phát sóng. Bộ phim này mang về cho Nhà nước rất nhiều tiền bán bản quyền thời đó. Bản thân tôi không được gì trong việc mua bán bản quyền này nhưng vẫn cảm thấy vui vì được đóng góp một phần nhỏ bé tạo nên sự thành công của bộ phim.
Ngoài ra, có 5 tờ báo lớn của quốc tế cùng viết về sự ra đời của "Chuyện tử tế". Những bài báo đó được tôi in ra, lồng vào khung ảnh và treo ở tường nhà tôi từ ngày đó tới giờ. Thử hỏi, trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, có bộ phim nào đã làm được những việc gây "chấn động" như thế không?
Tôi đã được mời qua Châu Âu và Châu Á để dự hàng trăm buổi hội thảo, buổi nói chuyện về các bộ phim tôi thực hiện. Đặc biệt là 100 buổi nói chuyện với sinh viên các trường đại học ở Mỹ. Tóm lại, tôi thấy cuộc đời cũng cho mình rất nhiều vinh quang và cũng rất nhiều cay đắng. Vì thế, nếu lần này được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh thì tôi cũng vui mà không được thì tôi cũng không nghĩ ngợi gì nhiều. Tôi đã từng có những ngày tháng vinh quang và sáng loà trong lòng khán giả, giới chuyên môn trong nước và quốc tế là cũng hạnh phúc rồi", NSND Trần Văn Thuỷ nhấn mạnh thêm.
Theo NSND Trần Văn Thuỷ, những ngày qua ông nhận được rất nhiều cuộc điện thoại thăm hỏi và chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, học trò... về câu chuyện này. Đó là những tình cảm còn quý hơn gấp vạn lần giải thưởng nào khác.
0 nhận xét:
Post a Comment