Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội ~ DẠY CẮT TÓC NAM

Friday, July 9, 2021

Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội

Khi hè về trong tiếng kêu râm ran của ve sầu, hương thơm nhè nhẹ của những bông sen e ấp cạnh đình làng, tôi lại nhớ đến hình ảnh ông nội với giọt mồ hôi lấm tấm trên trán bên nồi dải khoai nấu mẻ đang sôi sùng sục.

Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội - Ảnh 1.

Dải khoai.

Thuở nhỏ, mỗi buổi chiều hè, tôi thường theo đám bạn thân đi tìm dải khoai. Bạn tôi thường được ăn dải khoai nấu xương, nấu ốc hay thịt bằm, còn tôi thì chỉ ăn dải khoai nấu mẻ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng vì điều đó, mà ngược lại, tôi luôn trân quý những gì mình được thưởng thức – vì nó chứa đựng biết bao công sức của ông nội.

Dải khoai (hay bồng khoai, ngó khoai...) không khó để tìm ở những bờ ruộng hay vùng đất hoang ẩm ướt. Đây là phần mọc ra từ rễ cây khoai nước, có nhiều sau những trận mưa rào. Ông tôi thường dặn "Con không được lấy dải khoai khi vừa mưa xong, vì như thế ăn sẽ ngứa lắm". Ông cũng nhắc hái dải khoai thì nên chọn phần non, thân mập và có màu xanh mướt.

Để có một tô canh dải khoai nấu mẻ ngon, vị thanh mát, ăn không bị ngứa, người nấu cần sự tỉ mẩn và cẩn thận. Khi tôi mang "chiến lợi phẩm" – những dải khoai xanh mướt, mỡ màng về nhà, ông nội thường bắt tay vào làm ngay để dải khoai được tươi, ngon hơn. Công đoạn sơ chế là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Dải khoai phải được nhặt kỹ, khéo léo loại bỏ lớp xơ bên ngoài, ngắt khúc tầm 6-7 cm rồi cho vào chậu nước muối ngâm khoảng 30' để dải khoai ra bớt nhựa. Sau đó phải rửa kỹ lại và để cho thật ráo nước.

Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội - Ảnh 2.

Dải khoai khi hái về. (Ảnh sưu tầm)

Tiếp theo là công đoạn luộc dải khoai. Cho dải khoai cùng muối và nước vào nồi, đun đến khi sủi bọt sẽ trút ra rổ và rửa lại một lần nữa. Phi thơm hành, cho dải khoai vào xào trong một vài phút rồi cho mẻ vào xào cùng. Cuối cùng, đổ một lượng nước tùy theo nhu cầu vào nồi canh, nêm bột canh, mì chính phù hợp với khẩu vị. Trước khi múc ra bát, cho thêm chút lá lốt vào sẽ giúp món ăn dậy mùi hơn.

Trong quá trình nấu, ông tôi chỉ dùng muôi để khuấy nhẹ cho dải khoai thấm đều vị, không dùng đũa. Tôi nhớ ông hay đùa "Giờ mà động đũa vào nồi này thì phí công Giang đi lùng dải khoai". Tôi cũng không hiểu tại sao không được dùng đũa khi nấu, chỉ thấy ông kể đó là kinh nghiệm nấu dải khoai được nhiều người áp dụng.

Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội - Ảnh 3.

Dải khoai sau khi nhặt sạch. (Ảnh sưu tầm)

Tô canh dải khoai nấu mẻ vừa đặt xuống mâm, tôi nhanh tay xới một bát cơm nóng để ăn cùng. Dải khoai được ông nấu chín nhưng không quá nhũn nên có thể cảm nhận rõ vị thanh mát cùng vị thơm của lá lốt, chua chua của mẻ. Ông bảo món này sẽ ngon hơn khi có chút thơm nồng của mắm tôm, nhưng biết tôi không thích hương vị đó nên ông không cho mắm tôm vào. Món này làm tôi ngồi chờ đến phát chán mà ăn thì không bao giờ ngán, chỉ gắp vài đũa đã hết, có khi mới cho vào miệng đã trôi ngay xuống bụng.

Kể chuyện làng: Hè về nhớ tô canh dải khoai nấu mẻ của ông nội - Ảnh 4.

Canh dải khoai nấu mẻ có vị thanh mát, dễ ăn (Ảnh sưu tầm).

Canh dải khoai mát lành như giúp cơ thể hạ nhiệt giữa tiết trời oi bức. Hương vị thanh mát của tô canh đã theo tôi suốt thời ấu thơ, đến giờ, tôi mới nhận ra món đó ngon không phải chỉ do sự chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, sự vừa đủ của mắm muối mà hơn hết, nói gói ghém tất cả tình thương của ông nội dành cho con cháu. Nhìn ông mất hàng giờ để nấu ăn, sống mũi chợt thấy cay cay. Tôi thương ông. Thương người đã nuôi dưỡng, chăm sóc tôi suốt một thời gian dài khi bố tôi phải đi làm xa, mẹ chịu nhiều áp lực từ gánh nặng mưu sinh; thương những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt hao gầy của ông trong căn bếp chật hẹp và nóng bức.

Ông tôi đã mất được 8 năm. Hình ảnh ông nở nụ cười hiền lành múc từng muôi canh dải khoai nấu mẻ ra bát giờ chỉ là ký ức hằn sâu trong tâm trí.

 

 

 

0 nhận xét:

Post a Comment