Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 ~ DẠY CẮT TÓC NAM

Saturday, April 27, 2024

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Nhân dịp Kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tổ chức Đợt phim Kỷ niệm từ 30/4 đến 7/5/2024. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sẽ chiếu miễn phí 3 phim truyện: Ký ức Điện Biên, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy và 2 phim tài liệu: Điện Biên Phủ, Đồng hành cùng lịch sử. Giấy mời được phát miễn phí từ 8h00- 22h30 tại Quầy vé Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ ngày 27/4/2024.

Ký ức Điện Biên

Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất vào năm 2004, là bộ phim kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo dự kiến ban đầu, bộ phim mang tên Người hàng binh theo kịch bản của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát và Đỗ Minh Tuấn, về sau phim được đổi tên thành Ký ức Điện Biên.

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 1.

Phim Ký ức Điện Biên. Ảnh: NSX

Ký ức Điện Biên được tái hiện qua trí nhớ của nhân vật Bạo và Bernard. Câu chuyện xuyên suốt bộ phim là cuộc gặp gỡ giữa Bernard, Bạo và Mây. Bernard là một trung sĩ thuộc đơn vị Huguette 1 trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh. Vì quá chán ghét chiến tranh và không chịu nổi khi chứng kiến cảnh đồng đội bị cưa chân mà không có thuốc mê, Bernard đầu hàng để bảo toàn mạng sống của mình. Bạo là một chiến sĩ trong đơn vị bộ đội, anh được lệnh dẫn Bernard về hậu phương để khai thác thông tin.

Dọc đường đi, Bernard bị thương trong một trận rải bom của quân Pháp. Cả hai tình cờ gặp được Mây là một y tá trong đơn vị dân công đang tải gạo lên chiến trường. Vì muốn nhanh chóng trở về đơn vị, Bạo đã nhờ Mây đi cùng mình để chăm sóc cho Bernard. Câu chuyện trở nên rắc rối khi Bernard đột ngột muốn quay lại chiến trường để khai thêm thông tin giúp quân ta chiếm sân bay Mường Thanh vì trên đường đi Bernard đã thấy rất cảm phục khi quân và dân ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh tới cùng vì độc lập.

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 2.

Những cảnh trong phim Ký ức Điện Biên. Ảnh: NSX

Kéo theo sự trở về của Bernard là hàng loạt những hiểu lầm, những sự đau khổ của Bạo trong tình yêu đầu đời thầm lặng với Mây. Nhưng, vượt lên hết tất cả những tình cảm cá nhân ấy, họ vẫn chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì ngày toàn thắng.

Được đánh giá là bộ phim hay về chiến dịch Điện Biên Phủ, Ký ức Điện Biên hấp dẫn khán giả ở sự đan xem giữa ký ức và hiện tại, sự kết hợp khéo léo giữa hồi tưởng quá và mong ước tương lai. Những cảnh chiến đấu được đặc tả một cách chân thực, sống động. Khán giả có thể cảm nhận rõ ràng sự nguy hiểm, hy sinh của bộ đội trong những trận đánh giáp lá cà khi giữa quân ta và quân Pháp chỉ cách nhau cái hào vài mét hay trực tiếp đối mặt. Khán giả cũng có thể cảm nhận vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất Điện Biên với màu trắng tinh khiết của hoa ban hay vị ngọt thanh của hoa dong riềng.

Bên cạnh những hình ảnh đậm chất chiến tranh như những hào bốt, những tiếng bom đạn, cảnh chiến đấu hay những xác chiến la liệt trên thực tế chiến trường, khán giả còn thấy được khao khát hòa bình qua điệu múa cầu hồn hay hình ảnh những người lính Pháp hóa thành những con bồ câu trắng trong trí tượng tượng của Bernard.

Đừng đốt

Đừng đốt (tựa Anh: Don't Burn) là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử được sản xuất vào năm 2009 do NSND Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bộ phim đã tạo tiếng vang lớn khi công chiếu. 

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 3.

Phim Đừng đốt. Ảnh: NSX

Bộ phim đi sâu khai thác đời sống nội tâm sâu sắc, khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn, lòng trắc ẩn của bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm (do diễn viên Minh Hương đảm nhiệm) đồng thời cũng chính là vẻ đẹp tinh thần và bản lĩnh chiến đấu của lớp thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, bộ phim còn thể hiện lòng bao dung của con người Việt Nam, chứng minh tình yêu thương xóa nhòa vết thương lịch sử. Đừng đốt là một bộ phim chân thực, dung dị nhưng chứa đựng tính dân tộc lớn lao và mạnh mẽ.

Phim ra mắt tại Liên hoan Phim Fukuoka lần thứ 19 tại Nhật Bản và giành giải khán giả bình chọn. Bộ phim được phát hành cuối tháng 4/2009 tại Việt Nam và được chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế ASEM tại Hà Nội giữa tháng 5 năm 2009. 

Đừng đốt đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16/2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010 bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (Nghệ sĩ ưu tú Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn. Đây cũng là bộ phim được chọn để tham dự giải Oscar.

Mùi cỏ cháy 

Mùi cỏ cháy là tác phẩm được xây dựng dựa trên những trang nhật ký sinh động của biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và các đồng đội đã chung sống qua những ngày tháng của Mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Mùi cỏ cháy là một trong những bộ phim đầu tiên và tái hiện chân thực nhất về 81 ngày đêm chiến đấu của quân đội Việt Nam tại Thành cổ Quảng Trị – nơi được mệnh danh là “cối xay thịt người”.

Bộ phim Mùi cỏ cháy kể về câu chuyện về 4 người bạn Hoàng - Thành - Thăng - Long, những thanh niên trẻ tuổi, vừa tròn 18 đến 20 tuổi, rời ghế nhà trường để đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, lên đường ra trận. Họ trải qua những giai đoạn khởi đầu đầy lúng túng, những cảm giác ngây ngô của tuổi trẻ, trước khi bước vào thực tế khắc nghiệt của chiến tranh.

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 4.

Phim Mùi cỏ cháy. Ảnh: NSX

Họ bước vào một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam: cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến trường ấy được coi như một cối xay thịt người, nơi những đôi tay cầm bút và ôm đàn ngày ấy bây giờ lại mang súng chiến đấu, và những đôi tay chôn xác những người bạn mới đây còn cười nói bên mình.

Cuối cùng, sau khi cuộc chiến trải qua, trong bốn người bạn trẻ đó, ba người đã ngã xuống trên mảnh đất đau thương và khốc liệt của miền Trung. Chỉ còn lại Hoàng, đồng hành cùng những chiến sỹ khác, tiếp tục chiến đấu cho đến khi đất nước thống nhất.

Ngoài 3 bộ phim truyện điện ảnh và 2 phim tài liệu chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, tại Điện ảnh Quân đội nhân dân - 17 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng trình chiếu bộ phim truyên Hoa ban đỏ. Đây là bộ phim truyện do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất vào năm 1994 Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hoa ban đỏ 

Hoa ban đỏ là một bộ phim chiến tranh dạng bán tài liệu của đạo diễn Bạch Diệp, ra mắt lần đầu năm 1994 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/1994).

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 5.

Phim Hoa ban đỏ. Ảnh: NSX

Hai nhân vật chính trong phim là Phương (NSND Trần Lực), một tiểu đoàn trưởng bộ đội chủ lực và Tấm (NSƯT Thu Hà), cô nữ dân quân kiêm y tá xinh đẹp luôn hết lòng vì bộ đội. Phương và Tấm là hàng xóm với nhau từ nhỏ, hai người gặp lại nhau khi cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy đơn vị của Phương có nhiệm vụ tiêu diệt Cứ điểm 206 - cứ điểm bảo vệ sân bay Mường Thanh.

Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, khi chỉ huy cuộc chiếm lĩnh Cứ điểm 206 Phương bị trọng thương và được đưa đến bệnh viện quân y nơi Tấm làm việc, ở đây Phương được Tấm – người luôn thầm yêu anh hết lòng chăm sóc. Khi vết thương đã lành, Phương tạm biệt Tấm để trở lại đơn vị, cuộc chia tay của họ diễn ra ở một cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ.

Nhiều bộ phim lịch sử được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5- Ảnh 6.

NSND Thu Hà và NSND Trần Lực trong Hoa ban đỏ. Ảnh: NSX

Ngày chiến thắng, Tấm đã chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh mà không tìm được Phương, quanh cô chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận. Bộ phim cũng khiến khán giả rơi nước mắt với cảnh một đơn vị khi ra đi còn nguyên quân số mà chỉ qua một đêm đã hy sinh gần hết, hay cảnh anh thương binh bị thương ở đầu đang gào thét xung phong rồi bỗng ngoan như đứa trẻ con ngồi chơi bắn bi với Tấm. Những hy sinh, mất mát và đau thương trong chiến tranh được khắc họa một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Và trên hết là ý chí kiên cường, bất khuất quyết chiến tới cùng của quân và dân ta trong trận đánh lịch sử này.

Khác với những phim đề tài chiến tranh khác, Hoa ban đỏ có một cách làm độc đáo vì không quá tập trung những hình ảnh trận mạc, chết chóc hay thương tật mà khai thác những khoảng lặng thời chiến như những lần mọi người cùng hát với nhau trong giờ giải lao, cảnh văn công lên tận chiến trường biểu diễn động viên tinh thần bộ đội, cảnh đào hầm thầm lặng và ngột ngạt trong đêm, những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng...

0 nhận xét:

Post a Comment